torsdag 31 januari 2013

Wendy Cope: ‘Nhà thơ phải biết đọc thơ’

 

Wendy Cope là thi sĩ nổi tiếng người Anh. Bà khẳng định, muốn trở thành nhà thơ, trước hết bạn phải là người yêu thơ và biết đọc thật nhiều thơ.
Thanh Huyền -
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa bà với tờ Time Out.
- Với bà, thơ là gì?
- Tôi không trả lời được câu hỏi này. Sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi là ở chỗ: thơ được viết thành dòng, đúng không? Còn văn xuôi thì được viết thành đoạn. Tôi nghĩ đó là sự khác nhau chủ yếu. Nhiều người nghĩ, nhịp điệu rất quan trọng với thơ, nhưng nó cũng quan trọng với văn xuôi.
- Bà không dùng dấu hiệu kỹ thuật để định nghĩa thơ ca đấy chứ?
- Không, tôi không nghĩ chúng định nghĩa thi ca. Nhưng không phải loại thơ nào cũng có vần, không phải loại thơ nào cũng có nhịp điệu. Rất khó để bạn có thể định nghĩa đầy đủ về thơ ca. Vậy thì “viết thành dòng” là một dấu hiệu nhận biết về nó.
- Vậy thơ ca có ý nghĩa như thế nào với bà?
- Tôi không biết. Tôi chỉ biết làm thơ thôi. Thơ là thứ tôi thích viết và thích đọc. Bạn sẽ không thể trở thành nhà thơ nếu không thích đọc thơ. Có lẽ, nói về ý nghĩa thì, thơ là thứ tôi thích đọc. Vậy thôi.
Nhà thơ Wendy Cope.
Nhà thơ Wendy Cope.
- Thể thơ yêu thích của bà là gì?
- Nếu bạn đọc sách của tôi, bạn sẽ thấy tôi sáng tác dạng thơ sonnets (thơ trữ tình 14 câu) rất nhiều. Ngoài ra còn có thể thơ villanelle. Đó là hai thể thơ mà tôi yêu thích.
- Tại sao bà lại chọn thơ cho sự nghiệp sáng tác của mình?
- Nó diễn ra tự nhiên. Một ngày, tôi ngồi xuống và làm thơ, vậy thôi.
- Sáng tác thơ, với bà, có diễn ra theo một quá trình không?
- Có. Tôi cần một điểm khởi đầu. Có lẽ nó là một dòng nào đó xuất hiện trong đầu, nghe có vẻ như một dòng thơ. Tôi sẽ viết ra và tiếp tục xem nó đi đến đâu. Nếu nó thành bài thơ thì tốt. Còn nếu không, tôi sẽ lại tìm điểm khởi đầu. Vậy nên, nếu bạn có cái dòng khởi đầu này rồi, thì hãy viết ra để xem câu chữ dẫn bạn đến đâu.
- Bà thường thích sáng tác ở đâu?
- Thường là ở nhà. Tôi có một chiếc ghế, một chiếc ghế rất thoải mái để ngồi viết. Thường tôi viết bằng tay, sau đó đánh máy lại. Đó là ở nhà. Còn thì thỉnh thoảng tôi cũng làm thơ trong khách sạn. Những lúc đó, khôn có giấy, không có máy tính, tôi đành viết ra trên một chiếc phong bì.
- Bà thích viết vào khoảng thời gian nào trong ngày?
- Tôi viết vào bất cứ lúc nào.
- Bà thích thơ ca ở giai đoạn nào?
- Ồ, một câu hỏi hay. Nhưng tôi không biết mình có đặc biệt thích một giai đoạn thơ nhất định nào đó hay không. Mà tôi có những nhà thơ yêu thích, như George Herbert, John Clare, Robert Frost, Emily Dickinson, Shakespeare. Tôi đọc thơ cũ nhiều hơn thơ ca đương đại. Tôi cũng cố nắm bắt kịp với thơ ca đương đại. Nhưng thỉnh thoảng lắm tôi mới tìm được tập thơ yêu thích, còn thì thường xuyên gặp phải những tập thơ không “nuốt” nổi.
- Những phong cách thơ nào ảnh hưởng đến bà?
- Tôi bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nhà thơ sau hàng chục năm như thế. Nhưng tôi không biết cụ thể ai ảnh hưởng đến tôi và ảnh hưởng như thế nào. Có lẽ các nhà phê bình sẽ chỉ ra được điều này. Một điều rất hay là tôi đọc rất nhiều nhưng không hề biết tôi bị ảnh hưởng ra sao.
- Vậy, đọc có ý nghĩa như thế nào đối với sáng tác?
- Vô cùng quan trọng. Điều khiến tôi khó chịu nhất là gặp phải một như thơ nào đó nói rằng họ không thích đọc thơ. Một lần, một người đàn ông lớn tuổi, đến gặp tôi tại một liên hoan văn học, đưa cho tôi một tập thơ và nói: “Tôi không đọc thơ, tôi chỉ làm thơ thôi”. Tôi cá cả nghìn bảng rằng, tập thơ đó của ông ta sẽ chẳng ra gì. Và đúng là như thế. Không đọc thơ, không yêu thơ thì khó mà làm thơ hay được.
- Bà còn nhớ bài thơ đầu tiên bà viết?
- Tôi viết bài thơ đầu tiên khi mới 6 tuổi. Bởi vì nhà trường yêu cầu viết một bài thơ. Và tôi đã viết về con gấu bông của mình.
- Bài thơ thế nào?
- Tệ lắm.















































Inga kommentarer: