tisdag 14 augusti 2012

Tìm hiểu về "suy nhược thần kinh"

1-Những dấu hiệu nghi ngờ của suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là tên gọi dân dã, trong y học còn gọi là tâm căn suy nhược và chứng bệnh này có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm.
Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Mệt mỏi là trạng thái cơ thể mà mọi người đều có: vận động thể lực quá độ, lao động thể lực quá nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi bình thường thì dễ phục hồi, chỉ cần có thời gian nghỉ ngơi điều chỉnh, bổ sung dinh dưỡng, ngủ một giấc sẽ lấy lại sức lực như cũ. Mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ tạp loạn, khó đi vào giấc ngủ. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều v.v... khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng khi kiểm tra kết quả nhiều lần chỉ phát hiện một vài vấn đề rất nhỏ, không tương xứng với mức độ mệt mỏi mà họ cảm nhận được.


Một biểu hiện rất thường gặp nữa của suy nhược thần kinh là người bệnh luôn nghi ngờ mình có bệnh. Chứng nghi bệnh có thể phát sinh chính từ cảm giác mệt mỏi khó giải thích được của họ. Có thể do những cảm giác khó chịu nào đó trong cơ thể, hoặc từ những kiến thức đọc được trong sách báo y học mà lo sợ mình mắc bệnh, như khi đau đầu cho là bị khối u não, hồi hộp cho là bị bệnh tim, đầy hơi khó chịu trong dạ dày cho là bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày. Mặc dù đã được khám toàn diện cẩn thận xét nghiệm nhiều lần, thậm chí chụp CT, điện não đồ, kiểm tra cộng hưởng từ... đều cho thấy các tổ chức cơ quan hoàn toàn tốt, nhưng vẫn không thể loại bỏ được hoài nghi trong đầu người bệnh, họ cho rằng bệnh của mình rất đặc biệt, hoặc kiểm tra có thể bị nhầm, cho nên vẫn tiếp tục tìm bác sĩ nổi tiếng để kiểm tra bằng những phương pháp cao cấp hơn, hy vọng có thể biết được mình bị bệnh gì.

Người bình thường có nghi bệnh không? Có. Người bình thường lúc này hay lúc khác cũng có khi nghi mình bị bệnh, chẳng hạn trong đợt dịch viêm gan A, gặp lúc chán ăn thì sinh nghi không biết mình có viêm gan không. Hoặc qua tiếp xúc trong đám bạn có người lao phổi, về nhà bị ho vài tiếng do trúng gió, liền lo sợ mình đã lây bệnh lao. Nhưng những ý nghĩ sai lầm này gạt bỏ được ngay khi nghe bác sĩ giải thích, và người ta hiểu đúng vấn đề đã được làm sáng tỏ bằng các kết quả xét nghiệm khách quan, người ta thường không có thái độ cố chấp và không có ý định kéo dài thời gian kiểm tra thêm.

Mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Có một số người ngủ ít, nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do suy nhược thần kinh thì thời gian ngủ ban đêm không phải là ít, nhưng ban ngày họ thường mệt mỏi và ngủ gật. Ngồi muốn ngủ, nhưng nằm xuống lại không ngủ được và dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.

Người bị suy nhược thần kinh thường không được can thiệp sớm do đó để lại hậu quả tâm lý thêm nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh. Chẳng hạn người bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thường đi đến khoa thần kinh; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội v v... Các khoa ở bệnh viện đa khoa, dường như đều có thể tìm thấy bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, mặc dù các bác sĩ luôn cho biết kiểm tra chưa phát hiện có bệnh ở cơ quan nào. Nhưng bệnh nhân thường tự chuyển khoa hoặc chuyển viện tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc tìm bác sĩ nổi tiếng, thuốc linh nghiệm để làm giảm đau khổ cho mình, nhưng lại không muốn hoặc không nghĩ ra đi đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị. Họ không hiểu, cũng không có nhận thức vấn đề tâm lý và trạng thái tình cảm có ảnh hưởng then chốt đối với cảm giác cơ thể và chức năng ngủ.

Suy nhược thần kinh có phải là "bệnh tâm thần" không?
Khái niệm suy nhược thần kinh là thuộc về bệnh tâm thần, y học quy về bệnh học tâm thần, là bệnh tâm thần loại nhẹ, không phải là bệnh tâm thần loại nặng, không gây rối loạn hành vi theo kiểu dị kỳ xa lạ. Tuy nhiên, những triệu chứng của suy nhựơc thần kinh nói trên hoàn toàn không đủ để gọi là bệnh, hoặc gọi là "bệnh tâm thần" thì laị càng không thoả đáng, nên gọi đây là những "trở ngại tinh thần".

Nguyên nhân của tất cả các biểu hiện trên đây là do áp lực tinh thần, cho nên phải bắt tay vào giải quyết vấn đề tinh thần trước, có nghĩa là muốn loại bỏ sự mệt mỏi do suy nhược thần kinh, phải bắt đầu từ vấn đề điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần. Bác sĩ khoa tâm thần hiểu rõ bản chất bệnh của họ; vì thế người bị suy nhược thần kinh cho dù có triệu chứng thân thể loại nào, nên đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị là hợp lý nhất.

Nếu nghi ngờ là suy nhược thần kinh, phải đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn.
2-Vì sao bị suy nhược thần kinh?
Suy nhược thần kinh là bệnh tâm căn, xảy ra do nguyên nhân tâm lý hoặc có liên quan đến những chấn thương tâm lý (stress). Các tổn thương do chấn thương sọ não, vữa xơ động mạch não, thiểu năng tuần hoàn não, nhiễm khuẩn, căng thẳng thần kinh kéo dài, lao động trí óc cường độ cao... đều có thể dẫn đến suy nhược thần kinh.
Suy nhược thần kinh là một hội chứng rối loạn thần kinh chức năng, do rối loạn chức năng vỏ não và một số vùng dưới vỏ não gây nên. Rối loạn thần kinh chức năng gồm nhiều hội chứng bệnh lý như: rối loạn lo âu và ám ảnh, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn phân ly. Hội chứng suy nhược thần kinh có thể xảy ra sau các bệnh chấn thương sọ não, vữa xơ động mạch não, thiểu năng tuần hoàn não, nhiễm khuẩn, căng thẳng tâm lý như mất người thân, mất của đột ngột, mâu thuẫn kéo dài trong gia đình, cơ quan, tham vọng không thành, lao động trí óc căng thẳng kéo dài... 
Làm sao phát hiện được bệnh?
Dấu hiệu giúp phát hiện bệnh chủ yếu là các triệu chứng chủ quan của người bệnh xuất hiện sau khi họ mắc một số bệnh nói trên và chấn thương tâm lý. Các biểu hiện chính gồm: cảm giác đau mỏi cơ, bệnh nhân cảm thấy đau mỏi cơ bắp, đau khắp mình mẩy do giảm ngưỡng chịu đựng với các kích thích. Chóng mặt, choáng váng xảy ra khi thay đổi tư thế như từ nằm, ngồi chuyển sang đứng, đi lại, leo cầu thang ...Đau căng đầu lan tỏa, âm ỉ cảm giác như đang đội mũ chặt quá, đau không thành cơn, đau tăng khi suy nghĩ, lo lắng, có khi chỉ tiếng động nhỏ cũng khó chịu và làm đau đầu tăng lên, có thể kèm theo chóng mặt. Rối loạn giấc ngủ: ngủ nông, hay gặp ác mộng, có thể mất ngủ hoàn toàn, nhiều trường hợp do ngủ không sâu nên bệnh nhân có cảm giác mất ngủ trắng đêm. Không có khả năng thư giãn. Tính tình cáu kỉnh, dễ kích thích. Bệnh nhân thường phàn nàn mệt mỏi dai dẳng và đau khổ vì mệt mỏi tăng lên sau một cố gắng trí óc, suy yếu cơ thể, kiệt sức sau một gắng sức về thể lực. Bệnh nhân rất kém lòng kiên nhẫn, tỏ ra rất khó chịu khi phải chờ đợi, dễ kích thích nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Muốn làm việc gì thì bệnh nhân rất nôn nóng làm ngay, nhưng nếu gặp khó khăn lại mau chán, thối chí, bỏ cuộc. Bệnh nhân cũng dễ xúc động, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, giảm khí sắc. Khả năng lao động trí óc và thể lực của bệnh nhân giảm sút do mau mệt, nhất là sau một gắng sức về trí óc hoặc sau căng thẳng tâm lý bệnh nhân cảm thấy suy sụp, không thể làm tiếp được hay có làm cũng không có hiệu quả.
  Giai đoạn nhược bệnh nhân không có ham thích về việc làm, chán nản trước cuộc sống, không làm việc trí óc tiếp được, còn lao động chân tay thì rất nhanh mệt mỏi, giảm trí nhớ. Có thể thấy các rối loạn thần kinh thực vật như đau vùng trước tim, hồi hộp, đánh trống ngực, loạn nhịp tim, tức ngực khó thở, toát mồ hôi, có cơn nóng bừng hoặc lạnh toát, run chân tay, ăn khó tiêu, suy giảm hoạt động tình dục ở nam, rối loạn kinh nguyệt ở nữ... Các triệu chứng của bệnh nói trên không hồi phục hoặc hồi phục rất ít khi bệnh nhân được nghỉ ngơi và các rối loạn này kéo dài trên 3 tháng. Chẩn đoán bệnh suy nhược thần kinh cần tìm yếu tố tâm lý, nhưng cũng cần chú ý tìm các tổn thương thực thể của não.
Chẩn đoán thể bệnh: tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng người ta thống nhất chia làm các thể bệnh: suy nhược thần kinh thể cường và thể nhược. Suy nhược thần kinh thể cường: quá trình ức chế tích cực, ức chế có điều kiện nhưng dễ bị suy yếu. Bệnh nhân dễ có triệu chứng kích thích và mất khả năng tự chủ. Suy nhược thần kinh thể nhược: thường xuất hiện ức chế bảo vệ quá giới hạn, quá trình hưng phấn suy yếu rõ, bệnh nhân có biểu hiện các triệu chứng suy nhược thần kinh.
Bệnh cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Trong suy nhược thần kinh, triệu chứng quan trọng là bệnh nhân dễ mệt mỏi, yếu đuối và lo lắng do chức năng hoạt động trí óc và thể lực bị suy giảm mà không phải do một bệnh thực thể nào gây nên.
3-Bệnh suy nhược thần kinh chữa như thế nào?
Bệnh nhân suy nhược thần kinh có nguồn gốc tâm lý cho nên điều trị chủ yếu là tâm lý liệu pháp. Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết và loại trừ căn nguyên tâm lý. Trong điều trị tâm lý liệu pháp cần giải thích hợp lý về bệnh tật cho bệnh nhân hiểu. Sử dụng ám thị điều trị cho bệnh nhân. Hướng dẫn bệnh nhân tập khí công dưỡng sinh. Thuốc cần dùng gồm: tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng não như tanakan, arcalion, asthenal; thuốc giảm đau: efferalgan codein, aspirin, diclofenac...; thuốc an thần trấn tĩnh: seduxen, valium, mimoza...; vitamin nhóm B; thuốc y học cổ truyền: tâm sen, lá vông, lạc tiên, củ bình vôi, châm cứu, xoa bóp... Nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân
Suy nhược thần kinh (SNTK) là bệnh rối loạn thần kinh chức năng khá phổ biến. SNTK có chiều hướng gia tăng ở các đô thị lớn, ở lớp tuổi thanh niên, trung niên làm việc trí óc căng thẳng và nhiều lo âu. Triệu chứng bệnh bao gồm: nhức đầu, mất ngủ, hay quên, tính tình thay đổi, năng suất công tác và học tập bị giảm sút rõ rệt. Nguyên nhân gây bệnh là tình trạng stress, sự căng thẳng kéo dài trong cuộc sống, hay môi trường làm việc có nhiều xáo trộn do nhiều yếu tố tác động liên tục thường xuyên. SNTK có thể chữa khỏi nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tìm ra nguyên nhân gây stress bệnh lý. Việc điều trị bao gồm tâm lý, thể dục và thuốc men. Trường hợp của chị cần được tư vấn bởi chuyên gia tâm lý để giãi bày tâm sự, giải tỏa lo âu, stress và nên khám thêm bác sĩ tâm thần để có chỉ định dùng thuốc giải lo âu. Tuy nhiên việc tập thể dục bằng phương pháp đi bộ rất cần duy trì, ngoài ra chị có thể tham gia tập thể dục dưỡng sinh, luyện thở, ngồi thiền, yoga dưới sự hướng dẫn ban đầu của các chuyên gia thì sẽ hiệu quả hơn. Phải tạo cho mình một cuộc sống thoải mái, vị tha, tham gia các hoạt động lành mạnh như đi du lịch cùng gia đình, thăm hỏi bạn bè để giải tỏa dần những căng thẳng. Ngoài ra chú ý tránh các đồ dùng có thể gây mất ngủ như cà phê, chè đặc, thuốc lá, rượu bia và nên thay bằng dùng nước nhân trần, đỗ đen, tâm sen...

ĐIỀU TRỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Điều trị. Từ những nhận định trên phép chữa SNTK thường tập trung giải quyết những vấn đề sau: sơ Can lý khí, kiện Tỳ an thần và bổ huyết dưỡng âm. Sau đây là hai cổ phương thông dụng có thể được dùng để điều trị các triệu chứng của SNTK.
Quy Tỳ thang: Theo Đông y, “Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục”, “Tỳ chủ hậu thiên”, ăn có được ngon miệng, cơm nước có được chuyển hóa thành tinh huyết, cơ bắp có săn chắc, tay chân có linh hoạt phần lớn dựa vào khí hóa của Tỳ vị. Hơn nữa “Tỳ thống huyết”, nếu khí huyết lưu thông điều hòa và kinh lạc được thông suốt thì cơ thể sẽ nhẹ nhàng, thoải mái (thống tất bất thông, thông tất bất thống). Do đó người xưa lập ra thang Quy Tỳ để chữa những trường hợp suy nghĩ, lao tâm quá độ làm tổn thương Tâm Tỳ dẫn đến kém ăn, khó ngủ, mộng mị, hay quên, thân thể nặng nề, mõi mệt, chân tay đau nhức. Được gọi là Quy Tỳ vì phương thang này có công dụng làm cho khí huyết rong rở trở về tạng Tỳ. Bài thuốc bao gồm Sâm Truật Kỳ Thảo để kiện Tỳ, liểm huyết, bổi bổ nguyên khí. Đương Quy dưỡng huyết, Mộc Hương lý khí. Ngoài ra Quy Tỳ còn bao gồm 4 vị Long Nhãn, Phục Thần, Viễn Chí, Táo Nhân để làm êm dịu thần kinh, điều bổ Tâm Tỳ. Bàn về chữa nội thương, sách Y Trung Quan Kiện của Hải Thượng Lãn Ông có viết “chứng uất do nội thương thất tình dùng bài Quy Tỳ là hay hơn hết”. Sau đây là nguyên thang gồm 10 vị của bài Quy Tỳ. Tùy theo cơ địa và những triệu chứng thực tế trên lâm sàng, người thầy thuốc sẽ gia giãm linh hoạt để thích ứng với từng trường hợp cụ thể.
Nhân Sâm 12gr Táo Nhân 8gr
Hoàng Kỳ 12gr Phục Thần 6gr
Đương Quy 12gr Viễn Chí 6gr
Bạch Truật 12gr Mộc Hương 4gr
Long Nhãn 8gr Cam Thảo 2gr
Thêm vào Đại Táo 3 quả, Gừng sống 3 lát. Đổ vào 3 chén nước, sắc còn 1 chén. Uống lúc thuốc còn ấm. Có thể đổ thêm 3 chén nước để sắc nước thứ hai.
Tiêu Dao thang: Tên gọi của bài thuốc đã nói lên tác dụng của nó là làm cho người dùng được thư thái, sảng khoái. Bài thuốc gồm Sài Hồ, Bạc Hà, Sinh Khương để sơ Can lý khí. Đương Quy, Bạch Thược để dưỡng huyết, Bạch Truật, Bạch Linh để kiện Tỳ. SNTK có kèm theo những biểu hiện tình chí uất ức, hay phiền muộn, dễ cáu gắt, đầy, tức hai bên hông sườn… thường thích hợp với phương thang này.
Sài Hồ 12gr Bạch Phục Linh 12gr
Đương Quy 12gr Cam Thảo 4gr
Bạch Truật 12gr Bạc Hà 4gr
Bạch Thược 12gr Sinh Khương 4gr
Đổ tất cả các vị thuốc (trừ bạc hà) cùng với 3 chén nước, sắc còn non 1 chén, xong cho Bạc Hà vào trộn đều vài phút trước khi nhắc khỏi bếp. Uống khi thuốc còn ấm.
Thuốc Nam: Một số bệnh nhân có khuynh hướng ưa chuộng thuốc Nam có thể dùng bài thuốc sau đây. Bài thuốc gồm Củ Gấu để giải uất; Đinh Lăng, Vỏ Bưởi để kiện tỳ; Rau Má, Thảo Quyết Minh để dưỡng âm. Đặc biệt 2 vị Rễ Nhàu và Thảo Quyết Minh là 2 vị thuốc Nam rất quý cho việc điều trị SNTK cho những người cao tuổi hoặc những trường hợp SNTK có kèm theo nhiều triệu chứng của bệnh tim mạch. Rễ Nhàu có thể điều hòa thần kinh giao cảm, chữa nhức đầu, mất ngủ, rối loạn áp huyết, rối loạn tim mạch. Thảo Quyết Minh có tác dụng an thần, làm nhuận trường, có thể ngăn ngừa chứng ngưng kết tiểu cầu và làm hạ độ cholesterol cao trong máu.
Rễ Nhàu 24gr Rau Má 12gr
Lá Đinh Lăng 12gr Củ Cỏ Gấu 8gr
Thảo Quyết Minh 12gr Vỏ Bưởi 4gr
(sao vàng) (phơi khô, sao qua)
Gừng sống 3 lát
Đổ 3 chén nước, sắc còn non 1 chén. Uống lúc thuốc còn ấm.

Điều trị không dùng thuốc: SNTK là một bệnh do nội thương thất tình, do tình chí hoặc do căng thẳng tâm lý gây ra. Vì vậy việc người bệnh tự rèn luyện để kiểm soát cảm xúc và giữ thăng bằng tâm lý chính là giải pháp triệt để, là cách chữa tận gốc và ổn định nhất. Luôn có sự tương tác qua lại giữa thần kinh, trương lực cơ bắp và hoạt động nội tiết, nội tạng. Nếu thư giãn được cơ bắp hoặc giải tỏa được những cảm xúc khó chịu thì hệ thống thần kinh giao cảm sẽ được cân bằng, hoạt động nội tiết sẽ được điều hòa và chức năng khí hóa bình thường của các phủ, tạng sẽ dần dần được phục hồi. Do đó những phương pháp thư giãn, ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh đều là những biện pháp hiệu quả để chữa trị suy nhược thần kinh. Ngoài ra, một nếp sống điều độ, có tinh thần lạc quan, thường tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, theo đuổi một hay vài thú tiêu khiển lành mạnh cũng là những yếu tố giúp loại bỏ những cảm xúc âm tính và nâng cao những giá trị của cuộc sống.

Một số món ăn - bài thuốc chữa bệnh từ hoa và quả:
Bài 1: Lấy vỏ táo tây khô hoặc vỏ lê thái nhỏ, cho nước vào ngâm, cho một chút đường trắng, sắc hoặc ngâm, uống thay trà mỗi ngày, có hiệu quả tốt.
Bài 2: Long nhãn khô 10g, gạo lức 50g, long nhãn khô lấy nước ấm ngâm rửa sạch. Gạo lức nấu cháo, khi gạo chín cho long nhãn vào, đun nhỏ lửa tiếp tục ninh đến khi cháo được, mỗi ngày ăn 2 lần.
Bài 3: Nhân sâm 20g, đường phèn 30g, hạt sen 10 cái. Hạt sen bỏ tâm, nhân sâm ngâm mềm thái mỏng, cho vào bát nhỏ và đường phèn hấp cách thủy 1-2 giờ. Mỗi ngày một lần, uống nước ăn hạt sen. Tác dụng kiện tỳ ích khí an thần.
Bài 4: Gạo tiểu mạch 150g, gạo nếp 100g, long nhãn 100g, táo đỏ 6 quả, đường trắng 100g, nước 1.000ml, táo bỏ hạt cùng với long nhãn thái thành hình hạt gạo nhỏ. Gạo tiểu mạch và gạo nếp ngâm cho nở, vo sạch cho vào nồi nấu cháo, đợi hạt gạo nở như hoa, cho long nhãn, táo đỏ, đường trắng tiếp tục ninh nhừ là được.
Tác dụng dưỡng tâm ích thận, thanh nhiệt giải khát, bổ trung ích khí, có hiệu quả với suy nhược thần kinh.
Bài 5: Hạt sen 30g, bách hợp 30g, thịt lợn nạc 250g, gia vị vừa đủ. Lấy hạt sen ngâm nước nóng, đến khi nở bỏ vỏ ngoài, bỏ tâm, bách hợp bỏ tạp rửa sạch. Thịt lợn rửa sạch, ngâm trong nồi nước để mất đi nước huyết, lấy ra rửa sạch thái miếng mỏng. Nồi nóng cho mỡ lợn vào, phi hành thơm, xào thịt, tiếp đó cho rượu mùi vào, đun đến khi cạn nước, cuối cùng cho hạt sen, bách hợp, gia vị, nước vừa đủ đun to lửa hầm cho đến khi thịt chín nhừ, cho hành, gừng vào là được.
Bài 6: Bách tử nhân 10-15 quả, mật ong vừa đủ, gạo lức 50-100g, đại táo 10 quả. Trước tiên lấy bách tử nhân bỏ vỏ tạp chất, giã nát cùng đại táo, gạo lức nấu cháo, đợi cháo được cho mật ong vừa đủ, nấu sôi 1-2 lần là được.
Phương thuốc này dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng thông tiện, thích hợp với những người bị táo bón và suy nhược thần kinh.
Bài 7: Hạch đào 5-8 hột, bỏ vỏ lấy nhân, ngũ vị tử 2-3g rửa sạch, mật ong vừa đủ, nghiền thành dạng bột ăn.
Phương thuốc này bổ thận vững tinh, thích hợp với những người suy nhược thần kinh, thận suy ù tai...
Bài 8: Quả dâu tươi chín không hạn chế, sau khi bỏ tạp chất, giã nhỏ, lấy vải lọc lấy nước, cho vào nồi nấu, sau khi đặc cho mật ong vừa đủ, không ngừng quấy đều, nấu thành dạng cao, để nguội cho vào bình, mỗi ngày hai lần vào sáng sớm, tối uống 1-2 thìa canh một lần cùng nước ấm.
Phương thuốc này bổ gan thận, bổ khí huyết, thích hợp với những thanh niên tóc trở nên bạc trắng, suy nhược thần kinh.
Bài 9: Hắc trị ma 60g, lá dâu 60g, hồ đào 60g, mật ong vừa đủ. Lấy tất cả nghiền nhỏ thành bột, luyện mật thành viên, mỗi viên nặng 4,5g, mỗi lần uống 1 viên vào sáng, tối.
Phương thuốc này có tác dụng dưỡng tâm, an thần, thích hợp với bệnh hay quên, mất ngủ dân đến suy nhược thần kinh.

Inga kommentarer: