Hư: trống không nhưng rất huyền diệu.
Không: trống rổng, không có gì.
Hư không là cõi mà mắt phàm không thấy gì cả, cho nó là trống không.
Cõi Hư không bao gồm tất cả thế giới, vô tận vô biên.
Từ ngữ Hư không là nói tương đối với con mắt phàm của con người phàm. Thật sự thì trong Hư không có đủ tất cả mà chỉ vì mắt phàm không thấy được mà thôi. Vậy không có gì là Hư không hết, chỉ có điều là mắt phàm thấy được hay không thấy được. Đối với cặp mắt thiêng liêng thì mọi sự rất rõ ràng.
Thí dụ như cái bánh xe, khi quay chậm thì chúng ta thấy rõ từng cây căm, nhưng khi bánh xe quay thật nhanh, chúng ta không còn thấy các cây căm nữa, mà chỗ đó thấy trống không, như không có gì. Ta bảo chỗ đó là Hư không.
Nhưng nếu chúng ta thọc tay vào chỗ Hư không đó thì tay chúng ta bị các cây căm đập ngay.
Cõi Hư không bao gồm 3 ý nghĩa sau đây:
-
Rộng lớn vô cùng, vô tận vô biên.
-
Trường tồn bất diệt.
-
Thấy không có gì mà trong đó có tất cả.
Giác quan của con người đều có một giới hạn. Do đó, chúng ta cần lưu ý rằng:
-
Khi ta không thấy gì thì không phải chỗ đó không có gì.
-
Khi tai ta không nghe gì thì không phải chỗ đó không tiếng động.
-
Khi tay ta sờ mó mà không cảm thấy gì thì chỗ đó không phải không có gì cả.
■ Mắt trần của con người chỉ nhìn thấy một số ánh sáng giới hạn từ ánh sáng tím tới ánh sáng đỏ, tức là từ ánh sáng có độ dài sóng 0,40 micron (tím) đến 0,75 micron (đỏ). Còn những ánh sáng khác như tia tử ngoại, tia X, hay tia Hồng ngoại, thì mắt chúng ta không thể thấy được.
■ Lỗ tai của con người chỉ nghe được những âm thanh có tần số trong khoảng từ 16 Hertz đến 16.000 Hertz. Những âm thanh có tần số lớn hơn 16.000 Hertz thì gọi là Siêu âm. Lỗ tai của chúng ta không thể nghe được siêu âm.
Chúng ta thử hình dung có một vật đứng trước mắt ta, ta thấy nó rõ rệt từng chi tiết, ta có thể dùng ta sờ mó nó được. Giả sử cho nó bắt đầu chuyển động quay tròn, chúng ta không còn thấy nó rõ rệt nữa. Khi vật ấy chuyển động với tốc độ khá nhanh, chúng ta thấy nó như ẩn như hiện và rất mờ nhạt. Khi nó chuyển động thật nhanh, nhanh hơn độ phân biệt của mắt, thì chúng ta không còn thấy được vật ấy nữa, nó như biến mất, như vô hình, cũng như cây căm của bánh xe quay rất nhanh.
Vậy, phải chăng trước mắt ta, vật có rồi lại thành không? Vật hữu hình biến ra vô hình? Cho nên, nhà Phật mới nói: Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc.
Có mà Không, Không mà Có. Trong cái Không có cái Có, trong cái Có thì có cái Không.
Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng: Hư không là trống rổng, không có gì cả.
Sự thật, Hư không là một khối sinh động mãnh liệt vô biên đến mức độ Hư không trở nên cực thanh tịnh, không không, như như. Hư không không rổng tuếch mà bao gồm đủ mọi thứ, đủ mọi tánh, đủ mọi trạng thái từ trược tới thanh, từ Địa ngục, trần gian cho đến Niết Bàn.
Hư không gồm mọi cảnh sắc sinh động, không thiếu một thứ gì. Có như thế, Hư không mới là cái nguyên lý vô cùng, là chơn lý tối thượng. Cho nên Thượng Đế cũng được gọi là Đấng Hư không.
Trong Hư không, trạng thái động thì cực động, mà tịnh thì cũng cực tịnh, nên cõi Hư không thật đẹp đẽ, thật tráng lệ, tuyệt diệu, kỳ ảo vô biên, mà không một thứ ngôn ngữ nào nơi cõi phàm trần có thể diễn tả hết được, bởi vì ngôn ngữ thì có giới hạn, làm sao diễn tả được cái vô cùng, không giới hạn.
Mọi diễn tả đều bất lực trước Hư không.
Nếu Hư không mà diễn tả ra được thì nó đâu còn là chơn lý tối thượng bất khả tư nghì. Chỉ khi nào con người đạt đến mức tiến hóa cuối cùng, hoà nhập vào Hư không, sống trong Hư không thì mới thật sự biết rõ Hư không.
UL sưu tập để cùng nhau tham khảo về chân lý sống của loài người
Inga kommentarer:
Skicka en kommentar