EM KHÔNG THỂ SINH CON.
Người chồng giém màn cẩn thận, nằm xuống quàng tay qua người vợ, thầm thì :
– Năm nay mình có con em nhé.
Bằng một phản xạ không rõ rệt, cơ thể người vợ dường như co lại một cách khó nhận thấy trong vòng tay chồng. Nằm ngửa, mắt nhìn lên trần nhà, cô nói :
– Em không thể có con.
– Em đi khám lúc nào?
– Trông anh kìa ! Không, em bình thường. Em có khả năng sinh con. Nhưng em không thể.
– Đừng đùa anh thế.
– Em không đùa, em nói thật.
– Anh không hiểu gì cả.
– Anh hình dung cái ngày em sinh con, chúng ta sẽ làm gì ?
– Anh đưa em vào bệnh viện chứ sao.
– Mình sẽ làm gì ở bệnh viện?
– Em không định sinh con ở bệnh viện à ?
– Không đơn giản chỉ có vậy. Không đơn giản chỉ là em đến đấy để đẻ. Nếu chúng ta muốn em không phải đau đớn khi đẻ, nếu chúng ta muốn con sinh ra được an toàn, thì chúng ta phải đưa phong bì cho bác sĩ, y tá, hộ lý.
– Chuyện bình thường mà em.
– Bình thường ? Khi chúng ta đưa tiền cho họ, chúng ta mua họ, chúng ta tự hạ thấp nhân cách của mình, chúng ta tự làm mình hư hỏng, và chúng ta làm họ hư hỏng.
– Em cường điệu rồi. Chẳng có ai hư hỏng. Cả xã hội như thế mà, em nghĩ làm gì cho mệt.
– Sao trước đây cha mẹ sinh ra chúng ta không phải mua bác sĩ. Lúc đó cha mẹ chúng ta nghèo, các bác sĩ cũng rất nghèo. Nhưng chẳng ai phải mua ai cả.
– Em đừng dùng từ mua. Một khi cả xã hội đã như thế thì em băn khoăn làm gì ?
– Không phải cả xã hội như vậy. Những người không có tiền sẽ phải đẻ trong đau đớn kể cả khi mà ngày nay kỹ thuật đẻ không đau đã được áp dụng. Điều đó còn được ghi rõ trên tờ quy định của bệnh viện, dán đầy hành lang. Anh cứ vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội mà xem. Đẻ không đau giá khác và đẻ đau giá khác. Sao vậy chứ ?
– Em đừng hỏi ngốc như thế nữa được không ?
– Thì em ngốc. Em không hiểu.
– Nếu không thế thì không phải là bệnh viện.
– Anh nói gì vậy. Người ta lấy cả nỗi đau ra để làm tiền. Và sự công bằng ở đâu ?
– Em không biết là chính trên nỗi đau của người khác mà người ta dễ làm tiền nhất à? Và sống lâu trong sự bất công thì người ta cũng không còn ý thức về sự công bằng, có gì khó hiểu đâu. Thực ra ở đây công bằng được xác định bằng khả năng chi trả. Em muốn được đối xử tử tế ư ? Em phải có tiền. Em phải có tiền để được đối xử như con người. Nhưng điều đó liên quan gì đến việc chúng ta có con.
– Có chứ. Liên quan, hết sức liên quan. Em không muốn con sinh ra phải gánh tội của chúng ta.
– Tội gì cơ ?
– Em hỏi anh : anh có thể không đưa phong bì cho bác sĩ, y tá, hộ lí khi em sinh con không ?
– Anh phải đưa. Anh không thể để em đau đớn, không thể phó thác sinh mạng của con cho may rủi. Em đọc báo thì biết rồi đấy, bao nhiêu trường hợp tử vong do không được chăm sóc đúng mức. Và em cũng đã tận tai nghe kể những trường hợp mà em trực tiếp biết. Em còn nhớ hôm chúng ta đi qua một thành phố ở miền trung, ô tô dừng lại một lúc bên đường, và chúng ta đã nghe một bà mẹ khóc lóc thảm thiết và chửi rủa trong đau đớn, con gái bà đã mất khi sinh nở và cả đứa cháu của bà cũng không giữ được, dù bà đã « tọng đầy miệng chúng nó », bà ấy nói như vậy, em cũng nghe rõ, tọng phong bì đầy miệng chúng nó. Bà ấy đã kiện, nhưng chỉ tiền mất tật mang, bà ấy chỉ có một mình, địch sao lại cả một tập thể. Và tòa án thì cũng vận hành theo một phương thức như bệnh viện, được phong bì bôi trơn. Bà ấy không là ai cả, không là gì cả, thì chỉ có thua cuộc mà thôi. Anh không thể mạo hiểm. Một ngày mấy chục ca đẻ, người ta đưa phong bì cả, chỉ riêng mình không đưa thì chắc chắn sẽ bị coi là bất bình thường, và người ta sẽ khó chịu. Thôi em đừng băn khoăn mấy chuyện đó nữa, vả lại mình cũng chỉ vì con thôi.
– Vì con. Vì con mà chúng ta phải làm như vậy. Thế là con của chúng ta phải gánh lấy cái tội không phải của nó. Vì nó là nguyên nhân khiến chúng ta phạm tội, khiến cho bác sĩ phải phạm tội. Nó vừa ra đời đã phải mang tội, đó là một thứ tội tổ tông mà nó buộc phải gánh vì bố mẹ nó muốn tốt cho nó. Một thứ nguyên tội hiện đại, em không biết gọi nó là gì nữa.
– Em cường điệu rồi, chúng ta không phạm tội, bác sĩ cũng không phạm tội.
– Nhận tiền bất chính không phải là một tội hả anh ?
– Không đến mức ấy đâu. Em dùng từ nặng quá. Tất cả đều làm thế mà.
– Vì tất cả đều làm thế thì việc nhận tiền đó trở thành chính đáng ư ?
– Em ạ, chúng ta đang sống trong một thời đại cần phải chấp nhận và không lập luận, không đi tìm lí do, không cần biết đến lí lẽ. Chúng ta phải biết sống trong sự phi lí như cá sống trong nước. Bài học cuộc đời đấy. Em không chịu học thì em không tồn tại được đâu. Như anh đây này, làm việc ở cơ quan mười năm rồi, nhưng lương chỉ bằng một người mới vào nghề có vài năm thôi. Nếu anh có đi hỏi thì sẽ được trả lời là « cái nước mình nó thế, đừng có hỏi ».
– Chúng ta không hỏi được con xem nó có muốn gánh lấy cái nguyên tội hiện đại này bằng sự ra đời của nó không. Chúng ta không có cách nào để hỏi nó, không có cách nào để biết được nó có đồng ý ra đời trên cái phong bì kết nối hai loại người tội lỗi là bố mẹ nó và những người đón nó vào cái thế giới này. Chúng ta bắt nó phải chịu, chúng ta buộc nó phải ra đời bất chấp ý muốn của nó. Vì nó là con em nên em cảm thấy nó sẽ không chấp nhận. Nó thà không ra đời còn hơn là ra đời theo cách đó. Trời ơi, nó sẽ không chấp nhận đâu. Em biết mà.
– Anh không hiểu em. Em phi lí quá. Hay là em có người đàn ông nào khác ?
– Có một cách là em về nông thôn sinh con.
– Nông thôn làm gì có bệnh viện. Các trạm xá ở đó không đủ điều kiện vệ sinh. Anh nhất định không đồng ý. Trong trường hợp có vấn đề gì không thể xử lý được. Mà em thì có bệnh tim bẩm sinh, em quên rồi sao. Chúng ta không thể mạo hiểm.
– Có thể đến những bệnh viện quốc tế, có thể ra nước ngoài để sinh con, nhưng đó chỉ là một giấc mơ, vì chúng ta không đủ tiền.
– Thôi ngủ đi em. Rồi em sẽ suy nghĩ lại.
...Sáng dậy, người chồng lặng lẽ ra khỏi nhà. Anh ăn sáng một mình. Khi bà bán phở hỏi vợ anh đâu, sao cô ấy không đi cùng như mọi hôm, anh buồn bã thành thật trả lời : cô ấy ốm. Đúng lúc đó người vợ phóng xe máy ngang qua, nhưng cái khẩu trang che mặt khiến bà hàng phở không nhận ra cô. Người chồng nói chuyện với một vài đồng nghiệp ở cơ quan, họ an ủi anh và cho rằng đấy chỉ là một cơn rối loạn tâm lý nhất thời, rồi nó sẽ qua thôi. Họ khuyên anh nên cố gắng tạo không khí ấm cúng, tin cậy, để cô ấy có tâm trạng tốt, chứ đừng như sáng nay. Anh cũng cảm thấy hình như anh không phải với vợ khi ra khỏi nhà mà không nói gì với cô ấy.
Chiều tối hai người về nhà, anh không nhận ra bất kỳ thay đổi nào ở cô. Vẫn vui vẻ và như mọi ngày, vừa làm bếp vừa tranh thủ dọn dẹp, vui vẻ và thoải mái. Cô không chú ý đến thái độ bất thường của anh sáng nay.
Lúc đi ngủ, anh muốn bắt mình làm một cử chỉ âu yếm vợ như thường lệ, nhưng rồi cảm thấy như thế quá giả dối, và anh không làm được. Rồi anh tự giận mình vì đã không làm như thế. Nhưng anh không tự giận mình lâu được. Anh nằm thẳng, hai tay để dưới đầu, những ngón tay đan vào nhau. Anh bắt đầu :
– Anh hiểu những băn khoăn của em, hiểu những gì em muốn nói hôm qua. Anh cũng đồng ý là chuyện đó không bình thường. Nhưng tại sao mọi người đều chấp nhận ? Anh suy nghĩ và tự lý giải thế này, em xem thế nào nhé. Chúng ta hãy coi chuyện đưa phong bì như là một hình thức trả lương cho bác sĩ. Nếu lương của họ đủ sống thì họ đã không phải nhận phong bì. Với đồng lương chết đói hiện nay họ không thể sống mà làm việc được. Trong khi đó công việc của họ lại rất nặng nề, trách nhiệm cao. Họ không thể bụng đói mà chữa bệnh cho người khác. Rồi họ cũng có con cái, bố mẹ. Họ phải lo cho gia đình. Bố mẹ con cái họ cũng có lúc ốm đau, cũng cần ăn uống, cũng phải đến trường, cũng phải vui chơi… Nhân dân chúng ta phải trả cho họ cái phần lương còn thiếu để họ có thể yên tâm mà chữa bệnh cho chúng ta. Lỗi không phải ở họ, lỗi cũng không phải ở chúng ta.
– Nhân dân trả lương à ? Tuyệt diệu ! Khái niệm đẹp quá ! Nhân dân thật là vĩ đại ! Ai tư vấn cho anh ý này vậy ? Quá tuyệt !
– Cần gì phải ai tư vấn, anh đủ khả năng nghĩ ra mà. Đừng coi thường anh thế.
– Không gì hoàn hảo hơn. Nó có thể xoa dịu mọi lương tâm. Nhiệm vụ của nhân dân to lớn quá. Họ trả lương hộ ai vậy ? Nhân dân đủ khả năng gánh vác cả những trách nhiệm không phải của mình như thế thì còn phải lo gì nữa. Cái gì cũng có thể vượt qua được. Trừ sự cùng khổ của chính họ.
– Em thấy đấy, bác sĩ cũng chỉ nhận lương của nhân dân thôi mà. Không thì làm sao họ sống nổi mà chữa bệnh cho nhân dân.
– Em biết rồi, hôm nay em vào khoa cấp cứu của bệnh viện Việt-Đức. Trời ơi, cứ mười lăm phút lại có một ca được đưa vào viện. Các y tá, bác sĩ quay như chong chóng. Mà làm việc kiệt sức như vậy, chỉ được trả vài ba triệu đồng một tháng, còn chưa đủ trả tiền thuê nhà, lấy gì mà sống. Còn nói gì đến chuyện lo cho con cái, bố mẹ.
– Em thấy chưa. Nhưng em vào bệnh viện làm gì ?
– À, thì… em muốn tìm hiểu một số chuyện. Em có hỏi chuyện một cậu thanh niên, chờ đã hai ngày, và còn phải chờ đến đêm mới được mổ. Cậu ấy kể rằng thấy có những người mới vào, người nhà dúi phong bì cho y tá, thế là được mổ ngay. Cậu ấy không làm được việc đó nên phải chờ hai ngày rồi. Bác sĩ ở phòng trực giải thích là trường hợp cậu ấy không khẩn cấp, vả lại cần theo dõi. Nhưng hôm nay có một ông bác sĩ ở trên khoa tiêu hóa xuống, ông ấy chỉ vào phim và nói toáng lên là trường hợp này bệnh đã rõ ràng như thế này, u đã to như thế này, không cho mổ ngay, thì ngồi mà ôm người chết à. Thế là cậu ấy được chỉ định mổ đêm nay. Em đã gặp mấy bác sĩ ở phòng trực, toàn là những thanh niên trông rất sáng sủa, đeo kính, với nụ cười rất trí thức, vẻ mặt thông minh. Tất nhiên sau chuyện đó, cậu thanh niên đang chờ mổ sợ quá rồi, vội vàng phải bảo người nhà tìm cách đưa phong bì cho bác sĩ mổ. Cậu ấy đâu có thể đùa với tính mạng của mình.
– Em vào viện chỉ để tìm hiểu chuyện đó thôi sao ?
– Nhưng anh biết không ? Một ngày có bao nhiêu là bệnh nhân vào viện. Ở bệnh viện Bạch Mai, có những thời kỳ, tivi đưa tin là có khoảng hai ngàn bệnh nhân mỗi ngày. Chưa cần tính tiền viện phí thu của những người không có bảo hiểm. Chỉ riêng tiền gửi xe đã không biết bao nhiêu mà kể. Rồi tiền cho thuê áo người nhà. Tiền thuốc men, tiền làm các xét nghiệm y tế, các dịch vụ y tế… Nếu số tiền ấy mà chia cho nhân viên thì thu nhập của họ đâu đến nỗi. Nhưng rồi chúng đi đâu ?
– Ừ. Mà nói thật ra, cái mà ta gọi là tiền lương do nhân dân trả ấy, nó không có giới hạn. Và các bác sĩ nhận phong bì không có điểm dừng. Rồi thì anh cũng không biết nhân dân trả lương cho bác sĩ đến mức nào thì đủ.
– Không bao giờ đủ. Mà nhân dân chúng ta không chỉ phải trả lương cho mấy ông bà ngành y tế, chúng ta phải trả lương cho hầu hết các ngành trong xã hội này, mỗi khi chúng ta có việc. Này nhé, hôm qua em mới chỉ nói tới lúc sinh đẻ. Chặng đường còn dài lắm anh ơi. Khi con anh đi nhà trẻ, anh lại không phải đưa phong bì cho cô giáo ư ? Ngày hai mươi tháng mười một, anh đến nhà, mang theo một bó hoa rất lịch sự và đầy giá trị tinh thần. Trong bó hoa đó nếu không có hoa phong bì nhét vào giữa thì rồi rất có thể con anh sẽ bị mấy cái thước vào đầu cho đến mức thành ra ngớ ngẩn, anh đã từng đọc cho em nghe chuyện đó trên mấy tờ báo mà. Mới hôm qua đây truyền hình còn tường thuật trường hợp cháu bé bốn tuổi bị cô giáo hành hạ, thương tích đầy mình và tổn thương tâm thần nặng. Anh cũng xem đấy thôi. Hình ảnh chân thực. Báo chí truyền hình không những không ngăn chặn được các cú đánh, mà còn khiến cho các bậc cha mẹ càng lo lắng hơn, và càng thấy cái trách nhiệm trả thêm lương cho giáo viên là đương nhiên. Chúng ta sẽ phải trả lương cho các giáo viên đến tận đại học ấy chứ. Rồi khi con học xong, đến đoạn xin việc mới là vấn đề nan giải. Một công việc ở thành phố bây giờ, đơn vị tính đã là ngàn đô rồi, chứ không còn là tờ như trước đây nữa. Nhân dân chúng ta sẽ phải đi trả lương cho cả thiên hạ. Thậm chí đến cả việc ly hôn, không khéo thì anh cũng phải trả cái mức lương thêm này mới được xử đấy. Anh bạn em kể là thẩm phán đề nghị anh ấy đưa phong bì để được xử nhanh, vì để xử được ly hôn họ phải làm nhiều việc lắm : phải đi gặp cán bộ xóm, cán bộ phường, hàng xóm… để kiểm tra về vụ việc của hai người. Rồi phải ra quyết định, phải đánh máy quyết định. Rồi giám đốc phải ký, phải đi từ phòng này qua phòng kia để đóng dấu, vân vân và vân vân. Họ làm việc rất vất vả. Nhiều việc thế mà lương của họ thấp nên họ phải đề nghị nhân dân trả thêm. Đúng quá phải không ?
– Chứ còn gì nữa.
– Anh biết anh bạn em trả lời thẩm phán như thế nào không ? « Chúng ta cứ theo pháp luật mà làm ». Anh ấy từ chối trả lương cho thẩm phán, chấp nhận vụ li hôn có thể bị kéo dài đến bao lâu cũng được.
– Em ơi, nhưng chuyện đó khác. Một vụ li hôn có thể kéo dài bao lâu cũng được, chẳng gây hậu quả gì. Nhưng em không thể liều với tính mạng của em và của con em.
– Em chịu thôi. Em không thể. Em không làm được mấy việc đó. Anh về nông thôn chưa? Chúng ta đã xong một phần mười thế kỷ hai mốt rồi, mà có người còn chưa có nhà vệ sinh. Nhưng họ vẫn phải đi trả lương hộ. Em thì có nhà vệ sinh, nhưng em không muốn trả cái khoản lương thiếu ấy. Con em sẽ không tha thứ cho một bà mẹ như vậy.
– Thôi, mình cứ chờ một thời gian nữa, có thể em sẽ bớt căng thẳng hơn.
– Theo anh, mình phải chờ đến lúc nào ? Nếu lương tăng đến mức đủ sống thì những chuyện làm mất nhân phẩm như vậy có chấm dứt không ?
– Anh không biết. Thói quen bắt đầu ngấm vào máu của nhiều thế hệ rồi. Với lại có lí do gì để tăng lương đến mức cho nhân viên đủ sống? Mọi thứ đã có nhân dân lo rồi. Nhân dân cứ thế mà trả lương thôi.
– Nhân dân phải trả lương cho tất cả mọi tầng lớp xã hội có liên quan đến cuộc sống của họ, rồi đến lượt mình họ cũng tìm mọi cách để bắt những người có liên quan đến công việc của họ phải trả lương cho họ. Hoặc họ sẽ nghĩ ra đủ các hình thức làm giả ăn thật.
– Ừ thì... Một mặt thì lương thấp, một mặt lại có rất nhiều kẽ hở để người ta có thể kiếm chác. Tất nhiên là sẽ chẳng có kẽ hở nào nếu người ta thực hiện đúng quy định. Nhưng vì nếu thực hiện đúng quy định thì tất cả đều chết đói, nên để sống được, người ta đành cố tình tạo ra các kẽ hở.
– Cái mà anh gọi là kẽ hở đó có thể biến tất cả mọi người thành những kẻ tội phạm, tùy các mức độ khác nhau. Lý do biện minh thật cao cả : để sống được. Một lý do tối thượng. Rồi đến một ngày, tất cả đều nói như anh : bình thường thôi, chẳng có gì trầm trọng đâu, cả xã hội đều như thế. Ai cũng phải sống mà.
– Người ta nói như vậy từ lâu rồi. Nhưng em thấy là cuộc sống vẫn đang đi lên đấy thôi. Và cảm giác chung là mọi người hài lòng đấy chứ. Có gì quan trọng đâu, miễn là sống được.
– Sống tốt nữa ấy chứ. Rất nhiều người không muốn thay đổi tình trạng này.
– Đương nhiên, nhất là những người có điều kiện nhận lương của nhân dân. Vì nếu lương có tăng cao lên, cứ cho là đến mức đủ sống thoải mái đi, nhưng mọi quy định siết chặt lại và được thực hiện chặt chẽ, thì thu nhập của họ sẽ giảm đi rất nhiều.
– Và để cho các quy định được thực hiện chặt chẽ, thì điều kiện duy nhất là chúng phải được những người có quyền ra các quy định thực hiện.
– Điều này thì không thể. Không thể em ạ. Đừng nghĩ tới chuyện đó. Tốt hơn mình đừng nói tới chuyện đó. Làm gì có chuyện những người ra quy định sẽ thực hiện quy định. Em nói với anh thôi, ra đường nói thế nguy hiểm lắm đấy.
– Như vậy có nghĩa là làm người dân trong xã hội này sẽ phải suốt đời đi trả những khoản lương thêm dù đã đóng thuế đầy đủ, và bù lại, sẽ tìm cách bắt người khác cũng phải trả lương thêm cho mình. Những khoản lương đó làm tiêu ma sự lương thiện. Không bao giờ có thể làm người lương thiện được. Những kẽ hở cho phép người ta sống nhưng không cho phép người ta làm người lương thiện. Theo anh, có thể đến một ngày nào đó mỗi người dân đều tự hỏi: tại sao mình lại phải đi trả lương hộ thế này? Sao mình lại cứ phải chịu cái trách nhiệm không phải của mình thế này? Và họ từ chối không trả khoản lương thiếu ấy nữa để làm người lương thiện. Có ngày đó không?
– Em đừng bi quan thế. Anh và em vẫn lương thiện đấy thôi. Còn nhiều người khác cũng lương thiện.
– Ừ thì em biết còn nhiều người lương thiện. Chúng ta vẫn có thể lương thiện nếu không sinh con. May là anh có nhà của bố mẹ để lại. Chứ nếu anh không có nhà thì…em cũng không hình dung được sẽ như thế nào nữa. Chúng ta không có nhu cầu gì nhiều. Chúng ta hầu như không đi xem phim, không đến rạp hát, không đi mát xa, không đi du lịch, rất ít khi vào nhà hàng, rất ít khi mua sách, rất ít khi mua đĩa nhạc. Chuyện đó không sao, vì đã có truyền hình rồi. Với lại mình không mua đĩa nhạc thì loa phường và hàng xóm cũng bắt mình nghe nhạc miễn phí từ sáng đến tối. Chúng ta còn may là bệnh tật chưa thăm hỏi đến. Chưa đến thời kỳ phải vào viện. Nhưng sinh con rồi, vì con, chúng ta không còn được quyền lương thiện nữa. “Ai cho ta làm người lương thiện?” Con cái là lý do chính đáng nhất để bào chữa cho mọi việc: chúng tôi phải nuôi con, chúng tôi phải bảo vệ bọn trẻ, phải tạo điều kiện tốt nhất cho chúng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi không thể bỏ mặc con cái. Nhưng em thì còn có thể lựa chọn đấy. Em sẽ lựa chọn không có con.
– Em đừng cường điệu lên thế. Mọi người đều tự thấy lương thiện, họ không nghĩ ngợi nhiều như em đâu. Bác sĩ nhận phong bì vì bệnh nhân biết ơn họ, đối với bác sĩ, đó là lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao chữa bệnh của họ. Giáo viên nhận phong bì là nhận lòng biết ơn của phụ huynh và học sinh dành cho công lao dạy dỗ của họ. Ai cũng lương thiện hết. Cả người đưa và người nhận phong bì đều lương thiện. Và chính sách bần cùng hóa bằng lương là một chính sách rất hiệu quả để khuyến khích tính lương thiện kiểu hiện đại này phát triển. Em nói mấy chuyện này với anh thì được, nói ra ngoài thiên hạ cười cho đấy. Với lại, lương thiện kiểu em thực ra chỉ là vấn đề của Chí Phèo thôi. Lương thiện kiểu đó không còn là vấn đề của thời hôm nay nữa rồi. Chỉ có các nhà văn ngày xưa như Nam Cao mới quan tâm đến tính thiện thôi. Chuyện xưa như diễm rồi em ơi.
– Anh nhầm rồi, thời này cũng vẫn còn những nhà văn như Nam Cao chứ. Anh cứ lên mạng mà xem.
– Ừ, thì anh đồng ý. Nhưng em thấy đấy, họ vẫn sinh con đấy thôi. Họ vẫn có con mà. Những người lương thiện vẫn còn nhiều, và họ vẫn có con. Em đừng cực đoan quá.
– Mình ngủ đi, em mệt rồi. Dù sao thì em vẫn phải quyết định.
– Quyết định cái gì?
– Có sống để làm người lương thiện hay không.
– Em cười lạ quá. Em phải chữa cái bệnh cường điệu và làm to chuyện đi thôi.
– Em biết bệnh của em rồi. Ngủ đi. Dù sao thì em cũng không thể tự quyết định được.
– Đúng vậy, phải cho anh cùng quyết định chứ.
Hôm sau, ăn tối xong, người vợ rửa bát, người chồng chậm rãi pha một ấm chè, đợi vợ trước ti vi.
Những chiếc bát cuối cùng được cất gọn trên giá, người vợ rửa tay, tới bên cái bàn, ngồi xuống cạnh chồng, cầm tách trà, theo thói quen đưa cái tách qua mũi thưởng thức hương vị của trà trước khi uống.
Người chồng nói không nhìn vợ :
– Chúng ta li hôn thôi em ạ.
Người vợ nhìn làn khói loãng đang lan dần quanh miệng chén trà, trả lời :
– Vâng.
Người chồng đập bàn đánh rầm, cái chén trên tay người vợ rơi xuống, nước từ những mảnh vỡ bắn lên một nửa khuôn mặt vẫn bình thản của cô.
– Em đồng ý ly hôn như vậy sao. Em thật vô lý, vô lý, vô lý không chịu nổi. Em có người khác rồi đúng không ?
– Em có thể có ai được đây ?
Giọng cô đầy, nặng, và thành thật đến mức người đàn ông đang từ cơn bốc đồng tụt hẳn xuống trạng thái đờ đẫn. Anh rên rỉ :
– Không, em không thể sống suốt đời như vậy. Không, không có chuyện ly hôn.
– Anh đừng lo lắng cho em. Đừng vì em mà chịu thiệt thòi. Em sẽ không sống suốt đời như vậy đâu. Suốt đời là đến bao giờ chứ ? Không có chuyện suốt đời đâu anh. Nhưng anh thì phải có con. Anh rất muốn mà. Bố mẹ anh mong từng ngày.
– Em …?
– Anh cứ yên tâm mà ra đi. Không phải lỗi của anh.
Năm năm sau, người đàn ông có công chuyện phải lên Lạng Sơn. Đây chính là quê vợ cũ của anh ta. Một vài ý nghĩ luẩn quẩn trong đầu khiến anh ta đã định từ chối chuyến đi này. Sau khi ly hôn vợ anh đã rời Hà Nội, quay về quê với bố mẹ. Nếu chẳng may ngẫu nhiên phải gặp lại cô ấy thì sao? Anh không muốn rơi vào tình trạng khó xử đó. Nhưng rồi tính chất cấp bách của công việc không cho phép anh ta lựa chọn. Buổi tối đầu tiên ở tỉnh lị, anh ta lên cơn sốt dữ dội, đến nửa đêm tình trạng trở nên nguy kịch, phải vào cấp cứu ở bệnh viện của tỉnh. Nữ bác sĩ trực đã xử lý trường hợp này rất tốt. Ba mươi phút sau khi nhập viện, anh ta thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Chị bác sĩ quay lại để khám và kiểm tra nhiệt độ. Chị nhìn hồ sơ và nói:
– Tên anh lạ nhỉ, giống tên chồng cũ của một người bạn.
– Chị muốn nói đến… phải không?
– Đúng rồi, vậy ra…?
– Vâng, cô ấy thế nào rồi, chị có biết không ? Tôi chỉ biết là cô ấy về quê thôi.
– Cô ấy mất rồi.
– Sao?
Người đàn ông cảm thấy cơn sốt hoàn toàn biến mất, nhưng một cảm giác choáng nhẹ, đầu anh bùng nhà bùng nhùng.
– Cô ấy mất cách đây năm năm rồi.
– Cái gì ?
Anh ta không nhận thấy là những câu hỏi của mình rất thiếu lịch sự.
– Cô ấy bị làm sao ?
– Cô ấy bị ung thư.
Người đàn ông chờ cho cơn choáng qua đi. Chị bác sĩ cũng nhận thấy những biểu hiện ấy, đưa cho anh ta một cốc nước.
– Chị ơi, khi chúng tôi ly hôn, cô ấy đã biết mình bị ung thư chưa?
– Biết rồi. Cô ấy đã đi khám ở bệnh viện Việt-Đức và biết là mình ung thư ở giai đoạn cuối. Vì thế mà cô mới về quê. Cô ấy chết sau khi hai người ly hôn được bốn tháng.
– Chị… Chị đã chăm sóc cho cô ấy phải không ?
– Phải. Tôi khuyên cô ấy xuống điều trị ở bệnh viện chuyên về ung thư ở Hà Nội. Nhưng cô ấy nói tự biết bệnh mình. Cô không muốn những ngày cuối cùng lại phải trải qua một nơi kinh khủng, một sa mạc vô cảm mênh mông, một sa mạc không có tình người, như là các bệnh viện. Cô không muốn người nhà phải đưa phong bì cho bác sĩ để mua một hy vọng hão huyền. Người ta biết chắc là cô sẽ chết nhưng vẫn cứ nhận tiền của cô. Cô đâu cần bán mình để mua một chút hy vọng vờ vĩnh như vậy. Cô đã nhìn thấy trước kết cục dành cho mình. Cô không muốn người thân phải khổ. Ở bệnh viện, bệnh nhân không được coi là người, người nhà bệnh nhân lại càng không được coi là người. Cô ấy biết có những người nông dân phải bán đất bán vườn để chữa bệnh. Ngoài viện phí, ngoài kinh phí chữa bệnh, họ còn phải đưa phong bì kèm lời giải thích rằng đấy là tấm lòng của họ, rằng họ cảm ơn bác sĩ đã chăm sóc họ. Bác sĩ nhận xong tấm lòng biết ơn của bệnh nhân thì đôi khi cũng quên luôn, vì bệnh nhân nhiều quá. Một cháu bé mười lăm tuổi rưng rưng nước mắt nói với cô : “ bác sĩ bỏ rơi cháu ”, dù bố mẹ cháu đã “ biết ơn ” bác sĩ không chỉ một lần. Cô ấy cũng từng chứng kiến một bệnh nhân bị bỏ rơi đến chết trong hành lang bệnh viện. Nếu ở ngoài đường ngoài chợ thì không nói làm gì. Nhưng ngay trong hành lang bệnh viện, bệnh nhân đi vệ sinh, không may ngã xuống và co giật đến chết, người nhà bệnh nhân tìm không ra bác sĩ. Y tá ngồi trong phòng không chịu ra, đến khi mấy ông người nhà cùng quẫn quá phải xô cửa phòng y tá chửi toáng lên, y tá mới đưa băng ca đến, lúc đó bệnh nhân chỉ còn những co giật cuối cùng. Cô ấy vừa kể vậy vừa xin lỗi tôi vì tôi làm việc ở một nơi như thế. Tôi bảo không phải xin lỗi vì cô ấy chỉ nói sự thật thôi. Cô ấy sợ bệnh viện, sợ hơn cả bệnh ung thư. Thực ra tôi cũng chẳng làm được gì nhiều cho cô ấy. Chỉ có mấy ngày cuối cùng, khi cô ấy phải tiêm moc– phin, tôi có mặt bên cô ấy nhiều hơn.
– Cô ấy có kể cho chị về lý do chúng tôi ly hôn không ?
– Không.
Người đàn ông thuật lại cho chị bác sĩ những cuộc trò chuyện cuối cùng của họ, anh nhớ tận từng chi tiết một. Năm năm qua, những cuộc đối thoại đó luôn chiếm giữ một góc trong đầu anh. Anh không trốn nổi chúng. Có những đêm người vợ mới phải đánh thức anh dậy. Kể xong, anh hỏi :
– Chị có nghĩ rằng cô ấy nói dối tôi không ?
– Nói dối anh chuyện gì ?
– Chuyện cô ấy không muốn có con. Có phải đấy là cách để đẩy tôi đến chỗ ly hôn, để tôi không phải chứng kiến bệnh tật và những ngày cuối cùng của cô ấy ?
– Tôi không biết.
– Có bao giờ cô ấy nói với chị về chuyện con cái không ?
– Không. Có lẽ lúc ấy cô ấy chỉ còn đối diện cái chết mà thôi.
– Chị nói xem có phải cô ấy nói dối tôi không ?
– Tôi không biết.
– Tại sao cô ấy không cho tôi biết chút gì về bệnh tình ? Tại sao không cho người báo tin cho tôi khi cô ấy mất ? Có phải cô ấy không muốn tôi đau khổ ? Chị nói xem, chị nói xem…
– Tôi không biết gì cả. Còn anh, anh có tin vào những điều cô ấy nói không ?
– Lúc ấy tôi hoàn toàn tin là cô ấy nói thật. Và tôi nghĩ rằng cô ấy quả thực bất bình thường. Hoặc nếu không thì cô ấy cũng cường điệu và phóng đại mọi chuyện. Con người ta ai chả phải sống. Cứ nghĩ đến mấy chuyện nhân phẩm mà không sống nổi thì liệu có ích gì. Mà sống thì phải có con cái, có người nối dõi. Lúc đó tôi ngờ cô ấy có người đàn ông khác. Tại sao chị nhìn tôi như vậy, tôi bị làm sao phải không ?
– Trước cuộc trò chuyện đó anh vẫn còn rất tin cô ấy ?
– Nhưng việc cô ấy bị ung thư đã khiến cho toàn bộ cuộc đối thoại ấy giờ đây hình như có một sắc thái khác. Tôi có cảm giác bị rơi vào bẫy, bị cô ấy đẩy đến chỗ phải quyết định ly hôn.
– Anh muốn hình ảnh nào của cô ấy ?
– Cô ấy đã thuyết phục tôi hoàn toàn. Tôi thật ngốc. Lẽ ra tôi đã có thể ở bên cạnh cô ấy những ngày cuối cùng.
Cũng vừa lúc hết giờ trực. Chị bác sĩ giao ca. Chị chào người đàn ông, thay quần áo rồi ra về. Lúc băng qua nghĩa địa trên sườn núi, bất giác chị dừng lại khi nhìn thấy những tia nắng đầu tiên rạch mấy đường ngang trên các nấm mộ. Đúng lúc đó, chị nghe thấy tiếng bước chân dồn dập đuổi theo mình. Thì ra là người đàn ông đó. Anh ta vừa thở vừa nói :
– Xin lỗi, chị có thể chỉ cho tôi mộ của cô ấy không ?
– Ngôi thứ năm, thuộc hàng ngang thứ ba, từ ngoài vào.
– Chị có nghĩ là cô ấy trả lời cho tôi không ?
– Tôi không biết. Anh cứ thử xem.
– Cảm ơn chị. Chào chị !
Lúc sắp sang hẳn sườn núi bên kia, chị bác sĩ quay lại nhìn về nghĩa trang và thấy người đàn ông đang quỳ trước mộ người vợ cũ. Dáng quỳ của anh ta như lay động cùng đám cỏ.
Hà Nội, tháng 7/2009 – Sài Gòn, tháng 7/2011
Tác giả > Nguyễn Thị Từ Huy