söndag 27 januari 2013

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại Sài Gòn

      Theo đài tiếng noí Hoa Kỳ VOA
 
         

Tác giả Nghìn Trùng Xa Cách, nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời vào chiều Chủ nhật 27/01/2013 tại Sài Gòn, ở tuổi 92. Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 05/10/1921 tại Hà Nội. Với tác phẩm đầu tay là Cô Hái Mơ, viết năm 1942, Phạm Duy bước vào thế giới âm nhạc từ năm 1942. Biến cố năm 1975 đưa ông sang định cư tại Mỹ và đến năm 2005, ông trở lại sống ở Sài Gòn, Việt Nam cho đến nay. Có thể nói hơn 70 năm sống với âm nhạc, Phạm Duy đã để lại nhiều tác phẩm đi vào lòng người, những ca khúc của ông gắn liền với những biến cố thăng trầm của đất nước. Bài viết dưới đây của ca sĩ - nhà văn Quỳnh Giao viết về một ca khúc của Phạm Duy chưa đầy một tuần trước ngày ông qua đời. Trân trọng giới thiệu cùng bản đọc VOA.

Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc "Xuân Hành" Của Phạm Duy
Quỳnh Giao

Có phải là ngẫu nhiên không mà hai nhạc phẩm đầy tính chất anh hùng ca của Lizst và Beethoven đều lấy âm giai Mi giáng Trưởng (Mi bémol Majeur)? Đó là Cầm tấu khúc số 1 của Lizst có tên là "Héro" và Cầm tấu khúc số 5 của Beethoven có tên là "Emperor" viết cho đại đế Napoléon.

Nhạc sĩ Phạm Duy
​​Trong nền tân nhạc Việt, các ca khúc về lịch sử hay những bài hùng ca thường được viết trên âm giai Fa Trưởng. Nói về nhạc thuật, các âm giai Trưởng như Do, Ré và Fa nghe thấy trong sáng và hợp với giọng Kim. Khi giọng Kim là giọng chính (chant), bè phụ thường được viết thấp hơn để làm nổi giọng chính. Những ca khúc như “ Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của Hùng Lân, “Nước Non Lam Sơn” hay “Bóng Cờ Lau” và “Tiếng Chim Gọi Đàn” của Hoàng Quý, “Hội Nghị Diên Hồng” hay “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước, “Việt Nam, Việt Nam” của Võ Đức Thu, “Việt Nam Anh Dũng” của Dương Thiệu Tước”, “Việt Nam Hùng Tiến” của Thẩm Oánh…v.v. đều được viết trên cung Fa Trưởng.

Thật sự, thì âm giai trong sáng hay u tối, êm dịu hay gay gắt chỉ có ảnh hưởng với nhạc khí, chứ không ảnh hưởng với giọng hát. Giọng hát nhẹ êm hay mạnh mà cứng là do âm sắc (timbre) của người trình bày. Giọng Thổ thường dầy hơn giọng Kim, ngược lại thì giọng Kim lanh lảnh và thánh thót hơn giọng Thổ. Riêng các nhạc sĩ sáng tác và sử dụng dương cầm, mà Frederic Chopin là một điển hình, thì chuộng loại âm giai mang nhiều dấu giáng (bémol). Ông cho rằng đàn những nốt giáng (phím đen trên dương cầm) thì tiếng đàn êm hơn, và về kỹ thuật thì ngón tay trườn trên phím, càng sâu càng dễ di chuyển lả lướt hơn…

Trong khung cảnh chung như vậy, ca khúc “Xuân Hành” của Phạm Duy lại được viết trên cung Mi giáng Trưởng, trong sáng mà êm dịu hơn âm giai Fa Trưởng.

Những ai mới nghe ca khúc này thì tự hỏi rằng tác giả dùng chữ "hành" trong ý nghĩa nào. Hành có thể là hành trình, hành khúc, hoặc biết đâu còn là một thể thơ cổ, như bài “Tỳ bà hành” mà ai cũng biết qua bản dịch của Phan Huy Vinh, hay bài “Hiệp khách hành” mà các độc giả của Kim Dung có thể còn nhớ và nhất là “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính?

Người nghe hay người thưởng ngoạn có quyền mở rộng sự cảm nhận để hiểu tác phẩm từ sở thích hay nhận thức khác biệt của mình.

Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy là người cẩn trọng, như tên của ông.

Trong cuốn "Ngàn Lời Ca" được xuất bản tại hải ngoại năm 1987, ông giải thích khung cảnh sáng tác của từng bài mà gọi đó là "sự tích". Ông trình bày rằng mình đã soạn nhiều ca khúc về hành trình của con người trong cuộc đời, trong đó có ba bài hành là "Lữ Hành", "Dạ Hành" và "Xuân Hành". Chúng ta liền hiểu ra ý nghĩa của chữ hành trong tác phẩm.

​​Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sài Gòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sài Gòn nhưng mà là Sài Gòn khói lửa của chiến chinh năm 1970.

Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu".... Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài….Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.

Với khoảng cách thời gian, nghĩa là có thêm sự chín muồi của cuộc sống, ta có thể nghe lại ba bài hành này mà thoát khỏi hoàn cảnh của Sài Gòn thời 53, 59 hay 70. Nghe lại với tâm cảnh của chính mình. Đấy cũng là lý do mà tôi thích bài “Xuân Hành” hơn cả.

Về nhạc thuật thì đấy là một ca khúc có nhịp điệu uy nghi hùng dũng, trong sáng mà êm dịu chứ không chát chúa như nhiều bài hùng ca hoặc một khúc quân hành. Bài "Lữ Hành" rất hay nhưng ít người hát vì từ đầu đến cuối là dùng nhịp chõi – syncope. Đôi khi có người còn trình bày theo điệu "swing" khá giật mà không phản ảnh được nội dung sâu sắc thánh thiện của lời ca. So với "Lữ Hành" thì bài "Xuân Hành" dễ hát hơn, nhưng cũng cần trình bày hợp ca nên đòi hỏi kỹ thuật hòa âm mới diễn tả hết giá trị của tác phẩm. Phải chăng vì vậy mà ngày xưa, chúng ta ít được nghe ca khúc này ở ngoài các chương trình của đài phát thanh?

Bây giờ mà nghe lại, khi tư duy đã lắng đọng, người ta còn thấy ra một giá trị khác, là nội dung của lời từ.

Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong ca khúc mà cũng là một đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ nhân, hay tinh thần nhân ái là chữ mà ông dùng. Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

Chữ sinh và hủy chỉ là hai mặt của cuộc đời và ai ai cũng như vậy. Nhưng, nội dung mang tính chất thánh ca của tác phẩm nằm trong thông điệp chìm ẩn bên dưới: sự bất diệt trong vòng tử sinh đó là chữ nhân. Nếu sinh ra và sống mãi với lòng nhân thì chẳng ai nên sợ cái chết. Cuộc hành trình của đời người mang ý nghĩa thăng hoa của một mùa Xuân khi nó được hướng dẫn bởi lòng tử tế.

Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, tôi đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.
Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của "hành" trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa hơn lời ca trong bài "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy....[QG]

 

Những dòng chia sẻ của nghệ sĩ dành cho nhạc sĩ Phạm Duy:

 Chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Chia sẻ của ca sĩ Ánh Tuyết

Chia sẻ của ca sĩ Kyo York

Thụy Kha

Inga kommentarer: