1̀5 Trang Liên Quan Blogspot

lördag 16 januari 2016

Ý nghĩa của các chữ Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín



“Nhân” là phạm trù đạo đức của Nho gia và “từ” là tinh thần yêu thương mọi sinh linh của nhà Phật.
Chữ “nhân” của Nho gia theo nghĩa hẹp và cụ thể được Khổng Tử diễn giải cho các học trò của mình được sách vở ghi lại như sau:
Nhân là kìm chế mình để trở về với lễ.
Nhân là điều gì mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”.
Nhân là yêu người.
Khổng Tử nói “có thể làm được năm điều dưới đây với thiên hạ là có nhân” đó là: Cung kính, khoan dung, giữ chữ tín, chăm chỉ siêng năng, ra ơn cho mọi người. Ngoài ra, ông nói: Người có nhân, muốn thành đạt thì cũng giúp cho người thành đạt.
Tất cả câu trả lời trên đều cụ thể cho từng người, nội dung hàm chứa tính giáo dục con người cụ thể.
Chữ “nhân” theo nghĩa hẹp rất rộng, do đó người nhà Nho sau này giải thích chữ “nhân” là lý của yêu thương, là đức của tâm hay là làm điều nhân là giữ toàn tâm đức v.v…
Theo nghĩa rộng, chữ “nhân” được Khổng Tử, Mạnh Tử xem như tư tưởng cốt lõi của Nho giáo (giáo ở đây không phải là tôn giáo, mà là giáo hóa con người).
Do đó đạo đức của Nho giáo cũng có thể gọi là đạo của chữ nhân, khi nói “nhân giả nhị nhân giả” (chữ “nhân” chiết tự ra gồm chữ “nhân” là “người” và chữ “nhị” là “hai”).
Nghĩa là: Nhân là mối quan hệ giữa người và người. Đây chính là mọi quan hệ của con người trong xã hội. Nếu xử lý hài hòa các mối quan hệ trên thì xã hội sẽ trật tự, trên dưới hài hòa, và con người được sống trong cảnh thái bình. Do đó nhân chính là đạo làm người vậy.
Từ luận giải chữ “nhân” nghĩa rộng trên, chúng ta thấy mối quan hệ giữa người và người đầu tiên phải được xử lý, phải được quy phạm đó là con cái và cha mẹ.
Chúng ta ai cũng biết khi chào đời người gần gũi lo toan cho ta là đấng sinh thành (cha mẹ). Do đó, theo Nho giáo đây là mối quan hệ đặc biệt ưu tiên trong mọi mối quan hệ xã hội.
Những quy phạm về mối quan hệ này Nho giáo gọi là “đạo hiếu” (Theo Nho giáo, bách hạnh hiếu là đầu, làm người phải đặt chữ hiếu lên trên hết).
Tiếp theo là mối quan hệ với anh em là chữ “đệ”, mối quan hệ với bạn bè là chữ “nghĩa”, mối quan hệ với vua là chữ “trung” v.v…
Từ đó triển khai ra các phạm trù đạo đức khác để tu thân, để rèn luyện đức tính con người: lễ, nghĩa, liêm, sỉ, trí, nhân (nghĩa hẹp), dũng v.v…
Thật ra những phạm trù đạo đức nêu trên (trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín v.v…) chỉ là tên gọi của các mối quan hệ hay những thái độ, cư xử, quan điểm, lẽ sống của con người trong xã hội.
Nhưng nội dung hàm chứa bên trong của nó tùy theo thời đại khác nhau lại có ý nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ “hiếu” là một phạm trù đạo đức nói lên mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ.
Phạm trù này vĩnh viễn tồn tại trong mọi xã hội từ xưa đến nay và cả mai sau, nhưng nội dung của chữ “hiếu” thì theo từng thời đại khác nhau có những nội dung khác nhau.
Như ngày xưa hiếu là luôn vâng lời cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ, phải sinh con cái để nối dõi tông đường. Khi cha mẹ qua đời, con phải cư tang bằng hình thức sống quanh mộ đói rét ba năm không được đi đâu, không được vui vẻ để tỏ nỗi khổ đau thương nhớ mẹ cha...
Nhưng cũng có nhà Nho cho rằng “đại hiếu là làm rạng rỡ tông đường, kế đến là không làm gì nhục gia tông, thứ ba mới đến nuôi nấng cha mẹ”…
Còn ngày nay, chúng ta phải có nội dung phù hợp cho chữ “hiếu”. Chữ “trung” cũng thế, không thể giữ nội dung là trung với vua mà phải là trung với nước, trung với dân v.v…
Lễ Nghĩa
   Đối với người Việt, hai chuẩn mực quan trọng nhất, có lẽ là nhân nghĩa và lễ nghĩa.
Nói là quan trọng nhất, bởi lẽ hiếu nghĩa, trung nghĩa, tín nghĩa đều được xây dựng trên nhân nghĩa và lễ nghĩa. 
Ta không thể có hiếu nếu thiếu nhân ta cũng không thể có trung, có tín nếu thiếu nhân nghĩa. 
Tương tự, hành vi hiếu chỉ có thể biểu hiện qua lễ, qua thái độ (lễ độ), qua hành vi (lễ phép), qua lối suy nghĩ đạo đức đòi buộc (lễ nghĩa). Và lòng thành tín, lòng trung thành cũng chỉ có thể dãi bày ra được qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động hợp lễ
Một người yêu kính cha mẹ không thể có những ngôn ngữ vô lễ đối với đấng sinh thành. 
Một người trung quân không thể “cá mè một lứa” với nhà vua, y hệt một người học sinh tốt không thể “coi thầy  bằng vung” bởi lẽ “không thầy đố mày làm lên.” 
Từ đây, chúng ta nhận ra được là nhân nghĩa và lễ nghĩa là nền tảng cho mọi nhân đức khác.
    Như vậy, có thể nói là lễ nghĩa gắn liền với bản tính. Đây là lý do tại sao nho gia Việt hiểu hay giải thích lý thuyết tính bản thiện của Mạnh Tử theo cái ý nghĩa của lễ nghĩa và nhân nghĩa, và theo đạo nhân cuả Khổng Tử. Là bản tính, lễ nghĩa không thể tách rời con người. 
Một người thiếu lễ nghĩa là “ngợm” như dân gian thường nghĩ. Sự việc làm con người siêu việt trên vạn vật chính là vì con người có lễ nghĩa. 
Điều mà chúng ta hãnh diện gọi là văn hóa Việt, thực ra là những cách sống, cách xử thế, cách tổ chức theo lễ ghĩa.
Điều mà chúng ta nâng lên hàng tinh thần, cũng chính là lễ nghĩa: hồn nước, lễ gia tiên, lễ giỗ tổ. Điều mà chúng ta coi như một yếu tố quyết định tương lai dân tộc, lại cũng chính là lễ và nghĩa. Lễ: “Tiên học lễ, hậu học văn” chứ không phải là “tiên học võ”, hay “tiên học thuật” và sau đó mới học lễ. 
  Và đây cũng là điều giúp chúng ta hiểu được tại sao, người Việt chúng ta chấp nhận “cái nết đánh chết cái đẹp”; họ hiểu cái sắc đẹp của phụ nữ theo hạnh, theo ngôn, theo dung và theo công. 
Trong khi nghĩa: cái nghĩa khí của những anh hùng liệt nữ, cái nghĩa của Lê Lai khi cứu Lê Lợi, cái nghĩa khí của Trần Quốc Toản, của Lê Văn Duyệt. Chính cái nghĩa này mới làm cho cái lễ phát huy được công năng của nó: tức làm con người có nhân cách, tức xứng đáng làm người.
   Như thế, câu nóí “Tiên học lễ, hậu học văn” mới được hiểu một cách trung thực hơn. Câu nói này không có nghĩa là lễ đi trước, văn đi sau, hay lễ quan trọng hơn văn nhưng muốn nói lên tầm quan trọng của lễ nghĩa: lễ nghĩa chính là nền căn bản cuả đạo làm người. 
Mà khi nói đạo làm người, người Việt muốn nhấn mạnh đến một con người theo đúng cái đạo ai cũng phải theo, đó là: đạo con người trung thực, một con người thăng tiến, một con người tiếp tục và phát sinh ra giá trị của nhân loại. 
Một con người trung thực đòi ta không được phản bội với những bản tính bẩm sinh cuả con người, mà bản tính đó vốn là nhân nghĩa, hay tính bản thiện, hay dĩ hòa vi qúy. Một con người thăng tiến là một con người văn hoá (biến thành tươi đẹp theo đúng nghĩa cuả “văn nhân hóa thành”). Mà yếu tố quyết định văn hóa lại chính là lễ nghĩa.  
Một con người hoàn vẹn cũng là con người biết sáng tạo, hay cộng tác vào sự sáng tạo, làm con người và xã hội hoàn bị hơn. 
Sự sáng tạo, sự hoàn hảo được thấy rõ rệt hơn cả là sự hoàn bị của lễ. Đây chính là lý do tại sao Khổng Tử yêu thích nhạc, lễ, và múa. Người Việt chúng ta cũng hiểu như vậy, khi lễ tế, lễ cúng, lễ bái, hôn lễ, tang lễ, vân vân, luôn là trung tâm sinh hoạt của con người Việt trong qúa khứ, và cả hiện nay. 
Nói cách khác, lễ nghĩa tạo ra nhân cách con người.
Người xưa quy định mười bổn phận, gọi là thập nghĩa. Mỗi một hạng người trong xã hội lại có một bổn phận khác nhau:
 
Vua phải nhân.
 Thần phải trung.
 Cha phải khoan từ.
 Con phải hiếu thảo.
 Anh phải hẳn hoi.
 Em phải kính thuận.
 Chồng phải đường hoàng.
 Vợ phải nhu thuận.
 Người lớn phải thi ân.
 Người nhỏ phải vâng phục.
1-NHÂN
Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là quan trọng hơn cả, nó đã là bao quát, là đạo làm người. Dù thời xưa hay thời nay chữ nhân đó vẫn thể hiện trong cách sống của mỗi con người. Cách đối nhân xử thế, tấm lòng của con người giữa đời thường, cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội.
Chữ nhân trong mỗi người không chỉ là một tấm lòng, tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà còn biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội hiện tại, với sự ràng buộc giữa người với người, bằng những mối liên quan gắn kết.

2-NGHĨA
Muốn thực hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn”. Những việc gì ta chẳng muốn ai làm cho ta chịu đau khổ thảm sầu thì ta không nên đem các điều ấy mà làm cho người khác, mới là trọn nghĩa.
Chữ nghĩa bao hàm rất lớn thay. Như là nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục đồng-bào, nghĩa bằng hữu chi giao, ấy là ngũ-luân chi đạo. Mọi sự đều phải có nghĩa, thì mới đủ tư-cách làm người cao trọng.
Chữ nhân và chữ nghĩa thường đi đôi với nhau, cho nên trong Kinh Sám Hối có 4 câu dạy rằng:
Làm người nhân-nghĩa xử xong, 
Rủi cho gặp lúc long-đong chẳng sờn. 
Làm người nhân-nghĩa giữ tròn, 
Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa. 
Nghĩa ở đây thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người với người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. Sống ở đời cần có một trách nhiệm với đời, cũng chính vì vậy mà cần có nghĩa, sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, với anh em bằng hữu cũng là nghĩa. Biết trả ơn khi mình đã nhận được những điều may mắn trong cuộc sống – đó cũng là nghĩa. Tại sao có nhiều người luôn biết quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội, làm từ thiện tri ân với đời… cũng vì họ sống có nghĩa với đời, với cuộc sống hiện tại, họ biết cho khi đã nhận.
Nghĩa cũng là sống cho mọi người chứ không chỉ sống cho riêng cá nhân mình.
3-LỄ
Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người trong cuộc sống đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời.
Con người có thể sống cao thượng, phẩm giá được tôn quí là do nơi biết giữ lễ, còn bị tội lỗi làm mất tư-cách con người, thiên-hạ chê bai khinh bỉ nhục-nhã, là do nơi thất lễ.
Nếu đánh giá một con người, một gia đình mà chỉ xét qua cách hành lễ nghi thôi không xét về nghĩa thì quả là thiếu sót. Bởi có nhiều người trong xã hội hàng ngày hành sự có thừa lễ nghi nhưng nghĩa thì lại thiếu.
4-TRÍ
Nếu muốn làm được việc nghĩa thì phải có trí, phải có một sự hiểu biết nhất định ở xã hội. Có nhân, có nghĩa mà không có trí thì chẳng khác nào một người lính ra trận chỉ có áo giáp mà không có gươm, đao, chỉ bảo vệ được mình mà không bảo vê được người khác. Sống ở đời nếu chí sống cho riêng ta thì đơn giản quá, mà muốn giúp đỡ được người khác tất mình phải có tài, có hiểu biết.
Trí là một sự hiểu biết, người không trí, không hiểu biết thì quả là một thiệt thòi lớn, có thể nói người không trí không làm được gì cả. Nếu như ngày xưa đánh giá chữ trí của một con người qua sự hiểu biết về đạo quân tử, triết lý Khổng giáo, Lão giáo hay Phật giáo thì ngày nay ngoài sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa xã hội, triết học thì cần có một sự hiểu biết về khoa học tự nhiên, bước sang thế kỷ XXI, với cuộc sống hiện đại, thông tin chóng mặt thì điều đó là cần thiết. Hiểu biết nhiều có thể làm được nhiều việc có ích với đời nếu người đó có nhân, có nghĩa trong tâm.
5-TÍN
Chữ tín là bằng hữu của uy tín, thủy chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dù hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời, mới gọi là người biết giữ uy tín.
Chữ tín trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, dù thời xưa hay thời nay thì sống ở đời mọi người cũng cần có một uy tín nhất định trong quan hệ với mọi người xung quanh. 
Thời xưa cái uy tín với bạn bè luôn được đánh giá cao, uy tín đó sẽ gây dựng được lòng tin, mọi người tin tưởng sẽ dễ dàng được mọi người giúp đỡ trong cuộc sống. Nói thì phải làm, sống trung thực với mọi người, với bản thân.
Ngày nay cũng vậy cho dù anh có tài nhưng không có được uy tín thì cũng chẳng ai theo. 
Muốn được người khác giúp đỡ thì bản thân mình phải giữ được lòng tin trước mọi người, chưa nói đến trong quan hệ làm ăn ở xã hội, chữ tín cái uy tín trong công việc luôn đặt lên hàng đầu, quyết định đến sự thành công.

Nói chung, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín luôn có sự gắn kết với nhau, làm con người mà thiếu đi một cũng không được. Như bài thơ sau:
    Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác. 
      Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc. 
 Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép. 
    Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc. 
Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.

Inga kommentarer:

Skicka en kommentar