1̀5 Trang Liên Quan Blogspot

fredag 29 juni 2018

LY HƯƠNG, SỰ LỤA CHỌN NGHIỆT NGÃ ---------- Nguyễn Thị Oanh ---------- Jun 26, 2018

Bildresultat för LY HƯƠNG, SỰ LỤA CHỌN NGHIỆT NGÃ
Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này.
43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”.
Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…
Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm.
Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…
Bildresultat för LY HƯƠNG, SỰ LỤA CHỌN NGHIỆT NGÃ
Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?…
Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.
Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế?
***
Relaterad bild
Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia. 70 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.
Còn chúng ta? Sau 73 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.
Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam…

fredag 22 juni 2018

Glad Midsommar 2018 😍🤩😜Mừng Ngày Hạ Trí Tại Thụy Điển- Video by UL



Chào mừng tới Swedish Midsummer cho những người bạn của Thụy Điển.
Tại sao đây là dịp quan trọng trong năm? Bởi với một xứ sở gần cực Bắc thì ánh nắng mặt trời hiếm hoi luôn mang đến niềm háo hức. Đây chính là ngày có đêm ngắn nhất của năm, lạnh giá đã đi xa sau một mùa đông dài và là dịp lý tưởng để người dân Thụy Điển hòa mình với cỏ cây hoa lá. Họ thường tập trung ở một khuôn viên xanh, với gia đình và mọi người, họ kết vòng hoa đội đầu từ những cây cỏ thân thuộc quanh nhà, nhảy điệu truyền thống xung quanh "Maypoles", thưởng thức món ăn đặc trưng và chơi các trò chơi dân gian. Dù là tỉ phú hay người bình thường, họ cũng gạt công việc sang một bên để về quê. Với người Thụy Điển, Midsummer là ánh sáng, là thiên nhiên, gia đình và sự thảnh thơi.

Đừng bỏ lỡ cơ hội đắm mình trong không khí lễ hội vào ngày 10/6 tới đây tại Công viên Bách Thảo Hà Nội, chỉ vài ngày sau ngày Quốc khánh Thụy Điển. Chúng tôi chào đón sự có mặt của tất cả những người bạn của Thụy Điển và Ban tổ chức cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tất cả chúng ta cùng có một lễ hội xanh thật trọn vẹn.

söndag 17 juni 2018

Thề Không Phản Bội Quê Hương Tác giả: Cục Chính Huấn- Hợp Ca- Video by UL


Một cánh tay đưa lên 
Hàng ngàn cánh tay đưa lên 
Hàng vạn cánh tay đưa lên 
Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính 
Đập phá tan mưu toan, đầu hàng cái quân xâm lăng 
Hoà bình phải trong vinh quang 
Đền công lao bao máu xương hùng anh 

Nào đứng lên bên nhau 
Nào cùng sát vai bên nhau 
Thề nguyền với vung tay cao 
Quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước 
Vận nước trong tay ta 
Là quyền của quân dân ta 
Tình đoàn kết quê hương ta 
Chận âm mưu chia cắt thêm sơn hà 

ĐK:
Quyết chiến Thề quyết chiến ! Quyết chiến! 
Quyết không cần hoà bình đen tối 
Chẳng liên hiệp ngồi chung quân bán nước vong nô 

Quyết chiến Thề quyết chiến ! Quyết chiến! 
Đánh cho cùng dù mình phải chết 
Để mai này về sau con cháu ta sống còn 

Vận nước đang vươn lên 
Hàng ngàn chiến công chưa quên 
Hàng vạn xác quân vong nô 
đã chứng minh cho sức mạnh hào hùng quân dân 

Thề chớ bao lui chân. 
Ngồi cùng với quân xâm lăng 
Ta thà chết chớ không hề lui 

Quyết không hề phản bội quê hương (2) 

fredag 15 juni 2018

Triệu Con Tim- Tác giả: Trúc Hồ- Quốc Khanh, Đan Nguyên trình bày- Video by UL




Thỉnh nguyện thư gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.








Cổng thông tin điện tử của thành phố nói Ủy ban Nhân dân TPHCM chỉ đạo các ban ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, vận động nhân dân không “tiếp tay phổ biến” bộ đĩa số 71 với chủ đề “32 năm kỷ niệm” của trung tâm Asia. Những ai vi phạm, tàng trữ, hay in sang đĩa nhạc này sẽ bị xử lý nghiêm.

DVD 71 của trung tâm Asia ngoài đánh dấu chặng đường 32 năm thành lập của trung tâm, còn nêu bật chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam do nhạc sĩ Trúc Hồ đề xướng mang tên “Triệu con tim - Một tiếng nói” qua chính bài hát cùng tên do anh sáng tác và trình bày với các ca sĩ của trung tâm.

Nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng nguyên nhân chính khiến đĩa nhạc này bị chính quyền thành phố cấm là vì Việt Nam sợ dân chúng coi và biết sự thật những gì đang diễn ra trong nước, về thực trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam bị quốc tế lên án, những điều không được truyền thông trong nước loan tải.

Nhạc sĩ Trúc Hồ:

“Vấn đề ở đây là khi mình làm một chương trình, một bài nhạc với cảm hứng từ những gì chúng ta thấy được qua ánh mắt của anh Điếu Cày, những người bị cầm tù trong nước, mẹ của blogger Tạ Phong Tần tự thiêu, dân oan bị công an đàn áp, bị cướp đất. Đó là những sự thật. Những bài nhạc này chỉ kêu gọi người dân trong và ngoài nước hãy nhìn về Việt Nam, đừng thờ ơ, phải biết yêu quê hương Việt Nam của chúng ta, phải biết đau trước nỗi đau của người dân trong nước. Đó là những gì mang tính chất rất ư bình thường của một con dân Việt dù ở bất cứ nơi đâu. Là người Việt Nam, nhìn những gì đang xảy ra trong nước, chúng ta phải suy nghĩ và phải biết đóng góp để thay đổi đất nước tiến bộ hơn trong thế kỷ 21 này. Cái đó có gì đâu mà chính quyền phải sợ dữ vậy!?”

Giám đốc điều hành trung tâm Asia nói ông tin là lệnh cấm này sẽ có tác dụng ngược với sự hỗ trợ của các phương tiện và kỹ thuật trong thời đại thông tin mở ngày nay. Điều này được một khán giả trẻ tên Tuấn tại Sài Gòn đồng tình. Anh cho biết cảm nghĩ về lệnh cấm đối với đĩa nhạc Asia 71:

“Em cũng thấy buồn cười. Mỗi người đều có những suy nghĩ riêng của mình, làm sao mà nhà nước cấm được? Có cấm thì cũng thế thôi.”

Chiến dịch thỉnh nguyện thư “Triệu Con tim - Một Tiếng nói” được khởi xướng giữa tháng 10 năm ngoái và kết thúc vào đúng Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 với hơn 125.000 chữ ký của người Việt tại 59 quốc gia trên thế giới trong thỉnh nguyện thư gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính quyền Mỹ, Úc, và các nước Châu Âu, kêu gọi thúc đẩy Hà Nội chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền và tôn trọng cam kết với quốc tế.

Từ phương xa nhìn về Quê Hương
Đất nước tôi sau 4 ngàn năm
Ải Nam Quan, nay không còn
Hoàng - Trường Sa, nay không còn
Mẹ Việt Nam ơi ...

Ngày hôm nay nhìn về Quê hương
đất nước tôi sao lắm nhiễu nhương
người yêu nước trong chốn lao tù,
Mẹ thương con, thiêu cháy thân mình,
Mẹ Việt Nam...đau !

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa ...
1 ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới ...
chúng ta là dòng giống Lạc Hồng

Ngày hôm nay nhìn về Quê hương
đất nước tôi sao lắm nhiễu nhương
người yêu nước trong chốn lao tù,
Mẹ thương con, thiêu cháy thân mình,
Mẹ Việt Nam...đau !

Bạn cùng tôi nhìn về quê hương,
đất nước ta nay sẽ về đâu
người lầm than, kẻ không nhà ...
người dân oan trên khắp mọi miền
Mẹ Việt Nam đau !

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa
1 ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới
chúng ta là dòng giống Lạc Hồng

Hãy là ngọn gió đổi thay 
Hãy là ngọn gió đổi thay 

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa
1 ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới
chúng ta là dòng giống Lạc Hồng.

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới
Chúng ta là dòng giống Lạc Hồng. 

Thế nào là yêu nước? (2)


Trong bài “Thế nào là yêu nước?” số 1, tôi đã phân tích sơ lược khái niệm “yêu” trong yêu nước: Khác với các loại tình yêu khác, từ yêu thiên nhiên, yêu thú vật đến yêu gia đình, yêu trong yêu nước, ngoài sự trìu mến và quyến luyến thông thường, còn có hai đặc điểm nổi bật khác. Thứ nhất, có sự đồng nhất về quyền lợi, và nhất là, về bản sắc giữa con người và đất nước với ba biểu hiện chính là cảm giác liên đới, sự tự hào và sự quan tâm sâu sắc đối với đất nước. Thứ hai, sự dấn thân một cách tuyệt đối hiểu theo nghĩa: ý thức về bổn phận, sự trung thành, thái độ sẵn sàng hy sinh và sự khuất phục hoàn toàn: đất nước không những là giá trị cao nhất mà còn là giá trị của mọi giá trị: nó chi phối và làm thay đổi cả các bảng giá trị về đạo đức và nhân quyền.
Bài này, tôi tiếp tục đào xới vấn đề yêu nước ở khía cạnh khác: Yêu nước là yêu cái gì?
Trả lời vấn đề ấy, chúng ta lại phải hỏi: Nước là gì?
Ở đây, có ba điểm chính cần được nhấn mạnh: Một, nước là một khái niệm khá mơ hồ, và do đó, khá phức tạp; hai, trong lịch sử, cách định nghĩa khái niệm nước thay đổi theo nhiều góc độ và cấp độ khác nhau; và ba, những định nghĩa ấy đều mang tính chính trị rõ rệt và đều nhắm mục đích phục vụ cho một chiến lược chính trị mà nhà cầm quyền nhắm tới.
Trước hết, nói về định nghĩa. Đối với đất nước, dường như chỉ có một yếu tố ít gây tranh cãi: lãnh thổ. Là hết. Đó là yếu tố quan trọng nhất. Có thể thấy điều này ngay trong ngôn ngữ: trong tiếng Việt, chữ “đất nước”, trước khi chỉ một quốc gia, đã có nghĩa là những yếu tố địa lý, liên quan đến lãnh thổ; trong tiếng Anh và tiếng Pháp, từ country đến pays, đều có hàm nghĩa ấy. Có điều lãnh thổ không phải chỉ là đất. Đó là mảnh đất mình sinh ra. Là nơi chôn nhau cắn rốn. Đó là “homeland” (quê) chứ không phải chỉ là “land” (đất). Xin lưu ý là chữ “nation” trong các ngôn ngữ Tây phương có gốc gác từ chữ “natus” trong tiếng Latin, nghĩa là sinh sản. Đất nước, do đó, được xem là một sinh điểm (birthmark) của con người: nó không chỉ có đất mà còn có máu.
Nhưng nơi mình sinh và sống nhiều đời cũng chưa hẳn đã là đất nước. Người Tibet vẫn sống trên mảnh đất của cha ông của họ, nhưng đó không còn là nước của họ. Cũng như người Chàm vẫn sống trên mảnh đất ngày xưa tổ tiên họ vẫn sống nhưng đó không còn là nước của họ. Lãnh thổ là đất và là quê gắn liền với chủ quyền.
Mà chủ quyền lại thuộc về người.
Vấn đề là: người là ai?
Yếu tố đầu tiên để định nghĩa người trong tương quan với đất nước là chủng tộc. Nước là lãnh thổ của những người có cùng một cha (patrie/fatherland) hay cùng một ông tổ (tổ quốc, 國). Nhưng điều đó chỉ đúng với thời các bộ tộc. Khi đất nước hình thành, có ít nhất hai xu hướng chính xảy ra: một, một nước có thể bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau; và hai, một chủng tộc có thể bị phân tán và phân hoá, thuộc về hai hay nhiều nước khác nhau. Nước Pháp, nơi vốn thường đề cao sự thuần nhất, thật ra, là một tập hợp của rất nhiều sắc dân, bao gồm từ Franks đến Romans, Gauls, Celts, Bretons, Normans, Burgundians, v.v... Điều thú vị là do kết quả của việc tái cấu trúc biên giới trong quá trình hình thành quốc gia thời hiện đại, rất nhiều người gốc Pháp sống ở lãnh thổ của Đức và trở thành người Đức, đồng thời, nhiều người Đức sống ở lãnh thổ của Pháp và trở thành người Pháp (1). Hiện tượng ấy có lẽ diễn ra ở khắp nơi: rất nhiều người Việt sống dọc biên giới Việt và Trung Hoa, sau này thuộc về Trung Hoa, đã trở thành người Trung Hoa; ngược lại, cả triệu người Trung Hoa di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 và 18, đã dần dần trở thành người Việt Nam. Chúng ta cũng có thể nói vậy đối với khoảng hơn một triệu người Khmer đang sống ở miền Nam Việt Nam, và một số không nhỏ người Việt sống ở Kampuchea.
Một hiện tượng phổ biến cần ghi nhận: đất nước nào cũng đa chủng. Đất nước hiện đại lại càng đa chủng. Ở Việt Nam có hơn 50 sắc dân khác nhau. Ở các nước lớn và mới, như Mỹ và Úc, số sắc dân lại càng nhiều và đa dạng hơn nữa. Điều gì làm cho hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu, hoặc, như trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ, cả tỉ người như thế gắn kết với nhau trong một cái gọi là dân tộc? Ngôn ngữ hay văn hoá ư? Nhưng đa chủng thường cũng có nghĩa là đa ngữ và đa văn hoá. Ở Canada, cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp đều được công nhận là những ngôn ngữ chính thức. Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, có khoảng 20% dân số, tức khoảng hơn 6 triệu người sử dụng các thứ tiếng khác ở nhà, trong đó, dĩ nhiên có cả tiếng Việt. Ở Thuỵ Sĩ, có đến bốn ngôn ngữ chính thức: Đức, Pháp, Ý và Romansh. Ở Nam Phi, trước, có 2 ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh và tiếng Afrikaans; sau, từ năm 1994, số ngôn ngữ được coi là chính thức nhảy vọt lên đến 11. Mỗi ngôn ngữ gắn liền với một văn hoá riêng, vậy mà, ở các nước vừa nêu, tất cả vẫn tập hợp lại thành một quốc gia thống nhất. Đó là chưa kể một trường hợp khác: cả Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand đều xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, thế nhưng, đó vẫn là những quốc gia khác nhau. Chứ không phải là một. Bởi vậy, ngôn ngữ và văn hoá, tuy quan trọng, nhưng không phải là những yếu tố đủ để hình thành một nước.
Khi sự đa dạng về chủng tộc, văn hoá và ngôn ngữ được chấp nhận và công nhận, điều gì còn lại nối kết mọi người thành một khối chung? Câu trả lời của Benedict Anderson được nhiều người đồng tình: đất nước là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community).
Là một cộng đồng tưởng tượng vì ngay ở những nước nhỏ nhất, ít dân nhất, không phải ai cũng gặp nhau, biết nhau, vậy mà, lạ thay, hầu như ai cũng có một hình ảnh giống nhau về đất nước của mình, đều cảm thấy có một sợi dây liên đới nào đó gắn chặt lại với nhau, để tất cả đều thống nhất với nhau trong một nhận định: mình là người Việt Nam, chẳng hạn. Theo Anderson, cái điểm chung nhất ấy, thật ra, chỉ là một điều tưởng tượng. Tính chất tưởng tượng ấy gắn liền với ba thao tác. Thứ nhất là hạn chế: Trong thế giới có mấy tỉ người, mỗi cộng đồng tự khoanh một giới hạn riêng để thành một quốc gia. Thứ hai là chủ quyền: khái niệm đất nước theo nghĩa hiện đại ra đời từ sự đổ vỡ của các chế độ thần quyền, nhằm thay thế cho thần quyền. Và thứ ba là cộng đồng: mỗi cá nhân, bất kể các dị biệt về chủng tộc, tôn giáo, giai cấp hay văn hoá, đều tự cảm thấy mình thuộc về một khối thống nhất được gọi là nước. (2)
Quá trình hình thành của các cộng đồng tưởng tượng này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Lịch sử là một. Chữ viết chính thức là một yếu tố khác nữa. Nếu tiếng nói thường ra đời một cách tự nhiên, có trước lịch sử, chữ viết lại ra đời muộn, rất muộn, và thường gắn liền với khái niệm quốc gia, thậm chí, trở thành một trong những điều kiện dẫn đến việc hình thành quốc gia, theo nghĩa hiện đại chúng ta đang sử dụng ngày nay: một chỉnh thể chính trị thống nhất. Chính tính quốc gia là yếu tố phân biệt ngôn ngữ và phương ngữ. Nhiều người tóm tắt một cách đơn giản: khác với phương ngữ, ngôn ngữ có một chính phủ và một quân đội riêng. Sự thống nhất của Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn bao gồm nhiều sắc tộc và nhiều ngôn ngữ khác nhau, trước hết, là sự thống nhất của chữ viết. Nói, người ta nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhưng viết thì chỉ viết một thứ chữ. Có điều chữ viết chưa đủ. Người Việt, người Đại Hàn và người Nhật có thời chia sẻ chữ viết với người Trung Hoa; cũng viết như người Trung Hoa, nhưng vẫn tự hào là có nước riêng, độc lập với Trung Hoa. Anderson nêu thêm hai lý do khác: chủ nghĩa tư bản và kỹ nghệ in ấn. Chính nhờ chủ nghĩa tư bản và kỹ nghệ in ấn cũng như các hệ quả của nó, nền giáo dục đại chúng và truyền thông đại chúng, ký ức được tập thể hoá, nhờ đó, mọi người, bất chấp những dị biệt về nguồn gốc, về giai cấp và giới tính, có một tưởng tượng chung; và nhờ sự tưởng tượng chung ấy, mọi người tưởng mình thuộc về một dân tộc chung, một đất nước chung.
Trong câu trên có hai chi tiết quan trọng: tưởng tượng chung và ký ức được tập thể hoá. Đó cũng là những yếu tố quan trọng trong các định nghĩa về đất nước được chấp nhận rộng rãi hiện nay: một tập hợp người cùng chia sẻ một lãnh thổ chung, những huyền thoại và ký ức lịch sử chung, một nền văn hoá đại chúng chung, một nền kinh tế và một hệ thống pháp luật chung ở đó mọi công dân đều có những quyền lợi và nghĩa vụ giống nhau. (3)
Đặc điểm lớn nhất của huyền thoại và ký ức là chúng không ngừng được viết lại và diễn dịch lại theo những nhu cầu khác nhau của thời đại. Đó là lý do tại sao, vào cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, triết gia Karl Popper phát biểu: “Người ta thường nói chủng tộc là một tập hợp những người thống nhất với nhau không phải bởi nguồn gốc mà bởi một nhận thức sai chung về các tiền bối của họ. Tương tự như thế, chúng ta có thể nói quốc gia là một tập hợp những người thống nhất với nhau bởi sự nhận thức sai chung về lịch sử của họ.” (“It has been said that a race is a collection of people who are united, not by their origin but by a common misconception about their antecedents. Similarly, we can say that a nation is a collection of people united by a common misconception about their history”.) (4)
Nói một cách tóm tắt, đất nước hay quốc gia không phải là những gì tự nhiên hay có sẵn. Nó được tạo dựng. Quá trình lập quốc không phải chỉ là một quá trình chinh phạt về quân sự, lấn chiếm lãnh thổ của nhau, thoán đoạt quyền hành của nhau, mà còn là một quá trình lâu dài và liên tục viết lại lịch sử, thậm chí, xuyên tạc lịch sử, và thực dân hoá huyền thoại và ký ức tập thể để tạo nên sự thống nhất và hợp nhất từ vô số các khác biệt.
Nói cách khác, để trả lời câu hỏi nêu lên ở đầu bài này, yêu nước, thật ra, là yêu những điều mình, hoặc người khác muốn mình, tưởng tượng.
Vậy thôi.
Chú thích:
  1. 1. Xem Ingmar Karlsson trong bài “What is a nation?” trên website của Global Political Trends Center http://www.gpotcenter.org/dosyalar/karlssonPB.pdf.
  2. 2. Benedict Anderson (1991), Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, London: Verso, tr. 6-7.
  3. 3. Montserrat Guibernau & John Hutchinson (biên tập) (2001), Understanding Nationalism, Cambridge: Polity Press, tr. 19.
  4. 4. Dẫn theo Ingmar Karlsson, bài dẫn trên.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

torsdag 14 juni 2018

Thế nào là yêu nước? (1) vả̀ ...

Bildresultat för thế nào là yêu nước
Xin nói ngay: cái nhan đề trên được mượn lại từ một bài viết của Joyce Anne Nguyễn (Nguyễn Đắc Hải Di), một blogger 16 tuổi, mới rời Việt Nam sang định cư tại Na Uy được hơn một năm. Bài viết, vốn, thoạt đầu, được đăng trên blog cá nhân của Joyce, sau đó, được phổ biến rộng rãi trên nhiều trang mạng khác nhau và gây nên khá nhiều tranh cãi, là những cảm nhận riêng tư về ý niệm yêu nước trước tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay. (1)
Trong bài viết này, tôi thử nhìn vấn đề từ góc độ lý thuyết và lịch sử.
Từ hai góc độ này, đặc biệt về phương diện lý thuyết, giới nghiên cứu không thu hoạch được điều gì đáng kể từ sách báo bằng tiếng Việt. Thật ra, nói cho công bằng, ngay bằng tiếng Anh và tiếng Pháp cũng không nhiều. Igor Primoratz và Aleksandar Pavkovié (2007), trong cuốn Patriotism, Philosophical and Political Perspectives, thừa nhận là tuy tình yêu nước là một nguồn cảm hứng mãnh liệt và lâu đời trong văn chương và nghệ thuật, nó lại ít được chú ý trong triết học và chính trị học cho tới khoảng thập niên 1980, đặc biệt sau bài thuyết giảng “Yêu nước có phải là một đức hạnh?” (Is Patriotism a Virtue?) nổi tiếng của Alasdair MacIntyre vào năm 1984 (2).
Chậm, nhưng ở Tây phương, khi nó đã được quan tâm, đề tài yêu nước thu hút ngay nhiều thành quả nghiên cứu của giới học giả. Ở Việt Nam, ngược lại, cho đến nay, dù ai cũng nói đến chuyện yêu nước và dù các cơ quan truyền thông cứ ra rả chuyện yêu nước, hầu như không ai bàn đến khái niệm yêu nước một cách nghiêm túc cả. Ngay trong cuốn “Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước” của Trần Văn Giàu cũng không hề có một câu, một dòng nào định nghĩa chữ yêu nước (3). Nguyễn Gia Kiểng, trong bài “Yêu nước”, khi cho người Việt Nam không hề yêu nước, hoặc nếu có, chỉ có một cách rất mờ nhạt và tương đối, cũng không hề có một lời giải thích nào về cái thuật ngữ ông sử dụng. Ông chỉ căn cứ trên một tiền đề: “Ta không có tự hào dân tộc, mà đã không có tự hào dân tộc thì không thể yêu nước” (4). Dường như, nếu Nguyễn Gia Kiểng không đồng nhất hai khái niệm tự hào dân tộc và yêu nước thì ít nhất ông cũng xem lòng tự hào dân tộc là biểu hiện duy nhất hay là điều kiện thiết yếu của tình yêu nước. Nhưng, có thực vậy không?
Có lẽ sự thực không đơn giản như vậy.
Các cuốn từ điển tiếng Việt, cũ cũng như mới, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, đều không có chữ “yêu nước”. Lý do có thể giải thích thế này: người ta xem “yêu nước” là một ngữ (phrase) chứ không phải một từ (word). Là ngữ nghĩa là một kết hợp tự do, lỏng lẻo và có thể thay đổi. Như yêu người, như thể thao, yêu thiên nhiên, yêu thú vật. Tôi không đồng ý. Theo tôi, nên xem “yêu nước” là một từ hơn là một ngữ. Lý do: một, nó có cấu trúc chặt, không giống các ví dụ vừa kể; hai, mức độ phổ biến cao; và ba, ý nghĩa khá đặc biệt.
Như, yêu nước khác với yêu chó, yêu mèo, yêu hoa, yêu cỏ, hay yêu người, chẳng hạn.
Khác, ít nhất ở hai điểm.
Thứ nhất, trong yêu nước, có sự đồng nhất (identification) giữa chủ thể và khách thể. Bản sắc của một cá nhân bao giờ cũng được khẳng định một phần, thậm chí, phần lớn, từ bản sắc của đất nước. Ai cũng vừa là mình đồng thời vừa là đất nước. Ở Tây phương, gặp nhau, người ta thường hỏi: Ông/bà/anh/chị/em/mày từ đâu đến vậy? (Where do you come from? / D’où est-ce que tu viens?). Người Việt thẳng thừng hơn, hỏi: Ông/bà/anh/chị/em/mày là người nước nào vậy? Biết tỏng là người đối thoại có quốc tịch Úc, quốc tịch Mỹ, quốc tịch Pháp hay một quốc tịch nào đó, người ta cũng vẫn hỏi vậy. Cho nên, không phải quốc tịch mà chính cái gốc gác mới góp phần định nghĩa một cá nhân. Tôi là tôi. Đồng ý. Có vẻ như đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng, không phải. Trừ các danh nhân ở tầm quốc tế, câu “tôi là tôi” thường là một câu vô nghĩa. Chẳng ai biết cái “tôi” ấy là gì cả. Người ta cần một định nghĩa khác: Cái “tôi” ấy là người nước nào? Việt? Lào? Miên? Tàu? Nhật? Hàn Quốc? V.v... Như vậy, tôi là tôi nhưng tôi cũng là người Việt Nam. Thậm chí, dưới mắt vô số người, tôi là người Việt Nam trước khi là Nguyễn Hưng Quốc. Nhìn vào dáng dấp tôi, người ta biết tôi là người Việt Nam. Nhìn vào da dẻ tôi, người ta biết tôi là người Việt Nam. Nghe giọng nói tiếng Anh của tôi, người đối thoại, xa lắc bên kia đường dây điện thoại, chưa thấy mặt mũi tôi bao giờ, cũng có thể dễ dàng biết ngay tôi là người Việt Nam.
Hơn nữa, có thể nói “tôi là người Việt Nam” là giới hạn cuối cùng mà người ta có thể hình dung được. Thời cách mạng Pháp, năm 1789, de Maistre tuyên bố: “Tôi chỉ thấy người Pháp, người Ý, người Nga; còn con người, tôi chưa từng gặp; nếu hắn có, tôi không hề biết.” Có lẽ đó cũng là quan niệm của Henry James khi ông viết cho William Dean Howells: “Con người không là gì cả. Làm người Mỹ, người Pháp, v.v... đã quá nhiều rồi.” (5) Các nhà Văn hoá học, sau này, ghi nhận thêm một đặc điểm: cái gọi là ký ức tập thể (collective memory) hay ký ức văn hoá (cultural memory), yếu tố căn bản tạo nên ý niệm về bản sắc, chỉ dừng lại ở giới hạn tối đa là một nước. Không có cái gọi là ký ức quốc tế hay ký ức toàn cầu.
Trong tình yêu gia đình cũng có sự đồng nhất tương tự. Nhưng khác hẳn về mức độ. Với gia đình, sự đồng nhất thường dừng lại ở phạm trù huyết thống, quyền lợi và danh dự. Rất hiếm khi nó liên quan đến vấn đề bản sắc. Trừ một ngoại lệ: các thế gia vọng tộc. Kiểu con vua, con chúa, chẳng hạn. Còn bình thường, cái gọi là bản sắc gia đình hay dòng tộc rất mờ nhạt, không đóng góp được gì cho bản sắc cá nhân cả. Ví dụ, tôi mang họ Nguyễn: cái họ ấy chẳng nói thêm được điều gì về bản thân tôi. Nhấn mạnh thêm: “Nguyễn-Hưng”. Thì cũng vậy. Ý nghĩa của một dòng họ hiếm khi vượt khỏi ranh giới của cái cổng làng. Đất nước thì khác. Đó không những là đơn vị lớn nhất mang bản sắc tập thể mà còn là đơn vị chính tạo nên cái gọi là văn minh nhân loại. Sự nối kết giữa ý niệm về bản sắc cá nhân và bản sắc dân tộc, do đó, là điều dễ hiểu.
Không những đồng nhất về bản sắc, giữa cá nhân và đất nước còn có sự đồng nhất về quyền lợi. Nếu sự đồng nhất về ý niệm bản sắc tương đối đồng đều, gắn liền với ngay cả một yếu tố phi - văn hoá: màu da, màu mắt và màu tóc, sự đồng nhất về quyền lợi có nhiều mức độ hơn; khoảng cách giữa các mức độ ấy có khi rất xa nhau, tuỳ vị thế chính trị và xã hội của mỗi người. Tuy nhiên, nói chung, vì tất cả chịu sự chi phối của một hệ thống thuế giống nhau, một chính sách an sinh xã hội giống nhau, bất cứ biến động nào về kinh tế, chính trị và xã hội đều ảnh hưởng đến mọi người. Trước năm 1975, chiến tranh Việt Nam không phải chỉ diễn ra ở chiến trường mà nó còn hiện hình ngay dưới từng mái nhà, ngay trên bàn học của học sinh sinh viên hay ngay trên giường ngủ của mỗi người, kể cả trong các thành phố lớn, lúc, trừ Tết Mậu Thân, có vẻ như bình an vô sự: Không ai thực sự thoát khỏi ảnh hưởng, trực tiếp hay gián tiếp của chiến tranh. Hành động khủng bố nhắm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan và Ngũ Giác Đài ở Arlington vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 không chỉ làm dân chúng ở New York hay Virginia rúng động mà còn làm cho cả nước Mỹ, mọi người dân sống trên đất Mỹ cũng như mọi người Mỹ ở rải rác trên khắp nơi trên thế giới, cảm thấy bất an.
Chính sự đồng nhất về quyền lợi và ý niệm về bản sắc ấy, mọi người đều cảm thấy mình là một phần của đất nước. Cảm giác ấy nảy sinh ra ba yếu tố khác: liên đới, tự hào và cảm giác gắn bó.
Trước hết, nói về sự liên đới. Sống ở nước ngoài, theo dõi tin tức trên tivi, thấy một người Việt Nam lạ hoắc nào đó được tuyên dương, chúng ta thấy sung sướng hẳn; ngược lại, thấy người Việt Nam nào đó, cũng lạ hoặc, bị bắt vì tội ăn trộm, ăn cướp hay buôn bán ma tuý, tự nhiên chúng ta cũng thấy có chút xấu hổ. Tại sao? Vì tất cả đều dính chặt với nhau trong cái gọi là “người Việt”.
Cũng chính vì là một phần của đất nước nên hầu như ai cũng ít nhiều tự hào về đất nước. Xin lưu ý là: không có dân tộc nào không có lòng tự hào cả. Không tự hào về kinh tế, khoa học, kỹ thuật thì người ta tự hào về lịch sử, về truyền thống, trong đó, với người Việt Nam, chẳng hạn, có truyền thống đánh giặc. Không tự hào về hiện tại thì người ta tự hào về quá khứ. Không tự hào được khi so sánh với các nước lớn thì người ta tự hào khi so sánh với các nước nhỏ và yếu hơn. Không tự hào về những cái lớn lao hùng vĩ (kiểu Vạn lý trường thành hay Đế Thiên Đế Thích, v.v...) thì tự hào về những cái nho nhỏ, xinh xinh (kiểu nhà cổ, phố cổ, cầu khỉ, giếng làng, tranh trên giấy dó, v.v...). Nhưng nội dung phổ biến nhất của lòng tự hào là về văn hoá. Trong văn hoá, biểu hiện rõ nhất của sự tự hào là nhấn mạnh, thậm chí, cường điệu về tính cách đặc thù của dân tộc mình. Nếu dân tộc mình không nhất thì cũng... khác các dân tộc khác. Thứ chủ nghĩa mình-thì-khác ấy, nghĩ cho cùng, cũng là một biểu hiện của lòng tự hào dân tộc. Có điều đó là thứ tự hào của kẻ yếu và biết mình ở thế yếu. Do đó, vừa tự hào lại vừa tự ti. Quan hệ giữa tự hào và tự ti là thứ quan hệ cực kỳ phức tạp. Nó thay đổi tuỳ theo thời: có lúc, nhất là lúc bế quan toả cảng, lòng tự hào biến thành tự tôn một cách mù quáng: “Ta là ta mà vẫn cứ mê ta!”; thời khác, tiếp xúc nhiều với bên ngoài, biết người biết ta, lòng tự ti nổi lên, có khi làm biến tướng lòng tự hào: người ta bịt tai và nhắm mắt tự khen mình như những kẻ lên đồng. Nó cũng tuỳ người nữa: người tỉnh táo khác kẻ mê muội; người thành thực khác kẻ giả dối; người thông minh khác kẻ đần độn. Chỉ có điều chắc chắn là: không ai không có tự hào dân tộc. Chỉ khác nhau ở mức độ. Và nội dung của những điều tự hào. Tự hào dân tộc là một phần của tự hào về bản thân.
Một biểu hiện khác của sự đồng nhất cá nhân và đất nước là sự gắn bó và quan tâm một cách đặc biệt của cá nhân đối với đất nước. Ở nơi nào cũng thế, tin tức trong nước bao giờ cũng thu hút sự chú ý của nhiều người nhất. Người ta theo dõi từng chính sách, từng biến động trên thị trường, từng quan hệ ngoại giao với các nước khác trên thế giới. Người ta lo lắng về số phận của đất nước trong tương lai. Sự quan tâm ấy, một mặt xuất phát từ quyền lợi, mặt khác, từ thói quen, nhưng nhìn một cách tổng quát, chính là một biểu hiện của lòng yêu nước.
Tuy nhiên sự đồng nhất giữa cá nhân và đất nước (với ba biểu hiện chính là cảm giác liên đới, lòng tự hào và sự quan tâm) chỉ là một khía cạnh. Liên quan đến cái gọi là lòng yêu nước, người ta, nhất là giới cầm quyền, luôn luôn đòi hỏi một khía cạnh thứ hai: sự dấn thân tuyệt đối. Không phải dấn thân. Mà là dấn thân tuyệt đối. Không có chút giữ kẽ gì cả.
Có thể nói cái gọi là tình yêu trong lòng yêu nước đầy những yêu sách. Trước hết, nó yêu sách về bổn phận: yêu nước là phải làm gì cho đất nước. Kế, nó yêu sách về sự trung thành: với vợ hay chồng, người ta có thể ly dị; với đất nước thì không. Ngay cả khi tự từ bỏ quốc tịch, người ta vẫn bị đòi hỏi hoặc tự đòi hỏi sự trung thành như thường, nhất là khi đối diện với những hoàn cảnh buộc người ta phải lựa chọn. Nó còn yêu sách về sự hy sinh. Trong các loại tình yêu khác, sự hy sinh, nếu có, chỉ có tính chất tự nguyện. Trong tình yêu nước, hy sinh là một mệnh lệnh. Kể cả hy sinh tính mệnh của mình. Các câu khẩu hiệu kiểu “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” hay “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” được lặp đi lặp lại nhiều thế hệ, bất chấp các chế độ chính trị khác nhau. Cuối cùng, nó yêu sách về sự khuất phục: đất nước là nhất, tình yêu nước là nhất. Tình gia đình, dù sâu đậm đến mấy, vẫn bị giới hạn bởi luật pháp. Không thể nhân danh tình yêu gia đình để giết người, hay thậm chí, đánh người. Đánh hay giết người, vì bất cứ ly do gì, cũng đều bị xem là phạm pháp. Liên quan đến tình yêu nước thì khác. Xâm chiếm tài sản của người khác ư? Được! Hành hạ người khác? Cũng được! Cầm súng bắn xả vào người khác ư? Thì cũng được nốt! Có thể nói, với lòng yêu nước, mọi thứ đều được phép.
Trong hai đặc điểm chính của lòng yêu nước kể trên, sự đồng nhất và sự dấn thân, đặc điểm thứ nhất dễ nhận được sự đồng tình của mọi người. Chỉ có đặc điểm thứ hai là có vấn đề. Tại sao đất nước lại có thể đứng cao hơn luật pháp, và nhất là, cao hơn đạo đức? Luật pháp nào cũng cấm đoán bạo động, trừ một ngoại lệ: vì yêu nước. Đạo đức nào cũng lên án sự sát nhân, trừ một ngoại lệ: vì yêu nước.
Trong lịch sử, phần lớn các tội ác tập thể đều liên quan đến lòng yêu nước. Nhân danh lòng yêu nước, người ta đối xử một cách đầy kỳ thị với người khác. Nhân danh lòng yêu nước, người ta xâm lăng các nước khác. Nhân danh lòng yêu nước, người ta tha hồ hành hạ người khác, bắt người khác làm nô lệ, thậm chí, tiêu diệt nguyên cả một sắc tộc hoặc chủng tộc.
Bạn nghĩ lại coi, những bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay chủ yếu đến từ đâu?
– Từ những cái được gọi là tình yêu nước của người Trung Hoa và của người Pháp đó! Nhân danh lòng yêu nước của họ, người Trung Hoa bao nhiêu lần tràn qua biên giới Việt Nam, giết chết và đày đoạ người Việt Nam. Cũng nhân danh tình yêu nước của họ, bao nhiêu người Pháp chĩa súng bắn vào những người Việt Nam vô tội.
Còn chính chúng ta nữa. Trong lãnh vực này, chúng ta không phải là những kẻ vô can. Cũng nhân danh tình yêu nước, chúng ta nhiều lần giết hại người khác cũng như giết hại chính đồng bào của mình. Bằng chứng đầy trong lịch sử và ký ức đó!
Đây là lý do chính khiến nhiều nhà đạo đức học, nhất là những người theo chủ nghĩa đạo đức phổ quát (moral universalism), không cho lòng yêu nước là một đức hạnh, mà còn, hơn thế nữa, coi đó là một tội ác. Guy de Maupassant cho lòng yêu nước là một quả trứng nở ra chiến tranh. Samuel Johnson cho “lòng yêu nước là chỗ ẩn náu cuối cùng của những kẻ vô lại”. Leo Tolstoy, vâng, chính cái ông Tolstoy, tác giả của bộ Chiến tranh và hoà bình vĩ đại mà nhiều người Việt Nam sùng bái, cho lòng yêu nước là một thứ chủ nghĩa vị kỷ quốc gia (national egoism), là trái với đạo lý, là nguyên nhân chính gây ra những ngộ nhận, căng thẳng và cuối cùng, chiến tranh, giữa các quốc gia: “Lòng yêu nước là nguyên tắc biện chính cho việc giết người hàng loạt”. Gustave Hervé coi lòng yêu nước chỉ là một thứ mê tín: về phương diện tôn giáo, mê tín nảy sinh từ sự dốt nát; về phương diện chính trị, sự mê tín về lòng yêu nước, ngược lại, nảy sinh từ giả dối và lừa đảo. (6)
Vân vân.
Những lời phê phán tình yêu nước nhiều vô cùng. Bạn chỉ cần vào Google là thấy ngay. Tuy nhiên, bài này đã khá dài. Xin tạm dừng lại ở đây đã.
Mai mốt, hưỡn, bàn tiếp.
Chú thích:
  1. 1. Blog của Joyce Anne Nguyễn tạm đóng nên quý bạn đọc có thể đọc bài này trên: http://danluanvn.blogspot.com/2010/02/joyce-anne-nguyen-nao-la-yeu-nuoc.html
  2. 2. Igor Primoratz và Eleksandar Pavkovic (2007), Patriotism: Philosophical and Political Perspectives, Hampshire: Ashgate, tr. 1.
  3. 3. Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố HCM, 1983.
  4. 4. Nguyễn Gia Kiểng (2001), Tổ quốc ăn năn, Paris: tác giả tự xuất bản, tr. 65-9.
  5. 5. Dẫn theo Adam Kuper (1999), Culture, The Anthropologists’ Account, Cambridge: Havard University Press, tr. 6-7.
  6. 6. Các ý kiến thuộc loại này thường được đăng tải rất nhiều trên các mục danh ngôn về tình yêu nước, có thể tìm thấy dễ dàng trên Google.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

onsdag 13 juni 2018

THẤY GÌ QUA BIỂU TÌNH SÀI GÒN 10.6 VÀ PHAN RÍ 11-06-2018


    Thấy rằng:
    Lòng dân đã oán ghét đến tận cùng và cũng cương quyết tới tận cùng. Rõ ràng, biểu tình là do dân c...hủ động và tự phát, không có sự kích động, không có sự lôi kéo, không có tổ chức nào đủ quy mô hay cá nhân "Lãnh tụ" nào đủ uy tín để hiệu triệu hàng chục ngàn đồng bào từ khắp mọi nơi đổ về Sài Gòn, chưa kể hàng chục cuộc biểu tình lớn - nhỏ đã và đang diễn ra khắp mọi tỉnh thành, chắc chắn sẽ tới một ngày biểu tình nổ ra khắp toàn đất nước nếu Quốc Hội vẫn ngang nhiên bấm nút 1 hoặc cả 2 dự luật!

    Tôi nhớ lời mấy cô, mấy bác trong chợ nói với tôi:" Lần này nhất định phải lên Sài Gòn biểu tình, bỏ một buổi chợ không sao cả. Tui bán ngày được có hơn trăm bạc nhưng tôi sẽ lấy tiền góp của tui để đi, tụi tui thuê xe 50 chỗ rồi cô, giờ giấc khởi hành đã định. Ai cũng nghèo nhưng không thể ngồi yên nhìn bọn chúng bán nước, đời mình xem như thua rồi nhưng còn đời con mình, đời cháu chắt mình, phải đi thôi, không thể chịu đựng được hơn được nữa"!
    Nước mắt tôi chảy tràn trên má, thương thay những bà má, bà mẹ dân quê chân chất, tay lấm chân bùn, những người mẹ ấy không cần ai xúi bảo, không nhận của ai 1 xu, họ chỉ có ít tiền gom góp với duy nhất một tấm lòng với non sông và thế hệ mai sau để túm tụm khăn gói lên Sài gòn. Họ đã khiến chúng ta, những người cho rằng mình học cao hiểu rộng, hiểu biết chính trị xã hội, tiền bạc dư thừa phải cúi đầu hổ thẹn!
    Rồi tôi nhớ tới đám trẻ "choai choai" đầu húi cua ngổ ngáo. Trong mắt tôi những đứa trẻ ấy chỉ biết ham chơi hơn là lo việc nước, ấy vậy mà, chúng nói với tôi: "Tụi em gom tiền và chuẩn bị hết rồi chị, tụi em sẽ đi xe máy, ngủ một đêm ở nhà bạn, sẽ đi theo nhóm không để lạc nhau. Nếu có bị đánh hay đàn áp thì còn nhào vô mà cứu nhau". Tôi hỏi tụi em không sợ bị bắt ư? Cả đám lắc đầu rồi nói: "Bi giờ không đi, tới lúc mất nước thì chỉ còn nước tự tử chứ sống chi cho nhục chị!"...

    Sài Gòn 10.6: chưa bao giờ người ta thấy lòng dân kiên định với khí thế hiên ngang ngợp trời như vậy. Họ ùn ùn kéo nhau đi, các ngả đường chỉ thấy người là người, thanh niên, phụ nữ, người già, trẻ em cầm băng rôn biểu ngữ với khí thế vang dội. Đám đông anh dũng bất chấp hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bất chấp hàng rào kẽm gai bủa giăng khắp chốn, đám đông cứ đi, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:
    - "Đả đảo Trung Quốc; Đả đảo bọn bán nước; Đả đảo Quốc Hội phê chuẩn Luật Đặc Khu "bán đất" cho Tàu Cộng"
    - " Đả đảo Luật An Ninh Mạng, Luật Bịt Miệng dân"

    Sài Gòn - biểu tượng của "Tự do", của "Lòng ái quốc" nóng dần lên khi những bài hát cấm "Trả lại cho dân", "Việt Nam tôi đâu" vang lên khắp nơi...Có những người dân vừa hát vừa khóc. Họ xúc động, họ chịu đựng quá lâu rồi, bao dồn nén nay chỉ chờ dịp bung xả. Và thời khắc này, ngày 10.6: đây là lúc lòng dân đồng loạt tuyên bố: DÂN ĐÃ SẴN SÀNG! Việc còn lại là việc của Nhà nước, quyết định quay lưng lại với nhân dân hay đồng thuận với nhân dân? TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI?!!
    Biểu tình 10.6
    Không ai lường trước được hậu quả sẽ thế nào nếu Quốc Hội vẫn bù nhìn, bịt tai, bịt mắt thông qua Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu!
    Biểu tình 10.6
    Lòng dân đã quyết, đừng đùa với dân nữa! Lửa đã lan khắp nơi rồi nhưng... sẽ là không bao giờ là muộn để quay đầu lại:

    VỀ VỚI NHÂN DÂN!
    -----------------
    Cập nhật:

    Hình ảnh người dân biểu tình ở Sài Gòn bị đàn áp

    Hình ảnh dân và Cảnh sát Cơ động tại Phan Rí 11.6


    Tình hình tại Phan Rí 11.6: Cảnh Sát Cơ Động cởi bỏ quân phục=> Về với nhân dân đi tụi em



måndag 11 juni 2018

Sưu Tập Những Dòng Thơ Rất Hay và Mang Nhiều Ý Nghiã cho Vận Mạng Đất Nước Viết Nam Hiện Nay


Lòng canh cánh nhớ thương về  Tổ quốc
Nghĩ đến cảnh non sông rồi sẽ mất
Bao đêm trường thao thức suốt  canh thâu.
Hỡi Đông A - hào khí nay còn đâu?
Bến Vân Đồn khiến ngoại bang kinh hoảng
Trang lịch sử thật huy hoàng xán lạn
Nay trở thành tờ giấy rách lót chân!
Phương Bắc âm mưu thôn tính dần dần
Một lưỡi bò nuốt mồi ngon chữ S
Nuốt từng phần cho đến khi nuốt hết
Ba ngàn năm bao xảo quyệt mưu mô.
Cha Ông ta xương máu dựng cơ đồ
Có lẽ nào trong tay ta đánh mất?
Họ mưu chiếm - đó là điều có thật
Tỉnh mộng đi, đừng ảo tưởng ngây thơ !
Anh - Em gì đâu không chút nương nhờ?
Còn tệ hơn Anh Tào Phi thuở trước
Nếu lơ là thì đàn em mất nước
Sống loạn ly, không còn cửa còn nhà...
Họ chiếm rồi sao họ chịu nhả ra?
Quạ đi mượn cái ổ gà để đẻ
Cầu mong quạ hết thời kỳ đi nhé
Nằm mơ đi, quạ sẽ xé tan tành...
Chớ vướng vào chút mồi nhử lợi danh
Khiến con cháu mãi trở thành nô lệ
Giữ thì khó, bán đi thì rất dễ
Đừng vì ta, bao thế hệ đắng cay!
Họ muốn thuê tự trị những  khu này
Ba vị trí yết hầu Nam - Trung - Bắc
Dây thòng lọng đã buộc vào xiết chặt
Kẹt thế rồi biết gỡ cách nào ra?
Xem những gì Trung Quốc đã gây ra
Nào Hà Tĩnh Phô mô sa (formosa) chết chóc
Nào Tây Nguyên cảnh dở cười dở khóc
Khi môi trường bị ô nhiễm tràn lan.
Nếu chúng ta cứ ham rẻ mua hàng
Món Trung Quốc lại chứa toàn đồ giả
Bản chất họ là gian manh xảo trá
Không đề phòng là tơi tả xót xa.
Họ tham lam muốn cưỡng chiếm Trường Sa
Họ ngang nhiên bắn ngư dân đánh cá
Bao oan hồn thét hờn trên biển cả
Đất nước mình không mồ mả chôn thân!
Lãnh đạo quốc gia vì nước vì dân
Mỗi vấn đề phải cân phân lợi hại
Vội bấm nút để rồi ân hận mãi
Đẩy non sông vào nguy hại, lầm than...
Thương Việt Nam vốn biển bạc rừng vàng
Sắp trở thành một món hàng buôn bán
Chín chục triệu, biết bao nhiêu tính mạng
Nín thở chờ những bấm nút rủi may!...
Bao máu xương đã đổ xuống đất này
Không thể để lọt vào tay kẻ khác
Anh có nghe tiếng kêu gào, xô xát?
Họ biểu tình vì xã tắc lâm nguy.
Đất cho thuê cần cân nhắc chi li
Xem Hồng Kông chưa dễ gì lấy lại
Ai cũng biết là việc này tai hại
Nhất quyết “Không”! Cần chi phải luận bàn?
Đứng trước cảnh tình nước mất, nhà tan
Người con Việt bao bàng hoàng, cay đắng
Ôi Việt Nam hàng ngàn năm nghiệp nặng
Biết bao giờ trở lại thế Rồng Tiên?
Bắc Trung Nam là một dải nối liền
Từng tấc đất của Tổ Tiên gầy dựng
Hàng con cháu phải cùng nhau giữ vững
Không để ngoại bang chiếm dụng lâu dài.
Phải nghĩ xa đến thế hệ tương lai
Trung Hoa muốn nước Việt Nam đồng hóa
Muốn nuốt chửng đất liền và biển cả
Nếu thờ ơ phải trả giá đắng cay.
Chúng ta cùng cất tiếng nói hôm nay
Nếu không muốn bao tháng ngày ôm hận
Bước tính sai khiến toàn dân lận đận
Ngồi khoanh tay, chờ diệt tận hay sao?
Tôi muốn yên, đâu có muốn kêu gào?
Trước thảm cảnh, có lẽ nào im lặng?
Sống hiên ngang, vì non sông thẳng thắn
Còn hơn là chờ quà tặng ngoại bang.
Hãy nhìn xem nơi đất nước Bhu – Tan (Bhutan)
Thà đóng cửa mà ngập tràn hạnh phúc
Mà đồng bào không có nhiều lục đục
Mà toàn dân sống hòa hợp yêu thương.
Ai là người yêu Tổ quốc quê hương
Giờ phút này cần can trường đứng dậy!
Là sự thật, không thể nào che đậy
Là chủ nhân thì sao phải cúi đầu?
Đất nước Việt Nam rồi sẽ về đâu
Nếu cái Chí, nếu cái Nhân lụn tắt?
Nếu vận mệnh chờ ngoại bang sắp đặt
Chịu vong nô, đành cúi mặt ngàn đời.
Tây Tạng đến nay chịu cảnh tơi bời
Đành sống lưu vong nương nhờ Ấn Độ
Gương cảnh giác vẫn đang treo, còn đó
Thế ta nhìn chưa thấy rõ hay sao?
Nắm tay nhau, hỡi trí thức, đồng bào
Vận mệnh ta, phải tự ta quyết định
Tôi tin tưởng : mọi người đều thức tỉnh,
Lãnh đạo là người chân chính, vì dân.
Xin nguyện cầu qua sấm sét bão giông
Quang cảnh Việt Nam yên bình trong sáng
Người Việt Nam ngẩng cao cùng bè bạn
Dân chủ, nhân quyền, hạnh phúc, tự do…
06/06/2018
Thích Đồng Trí
4 dac khu kinh te 
HÃY VÌ HỒN THIÊNG SÔNG NÚI VIỆT NAM



Đất nước Việt bốn ngàn năm Văn Hiến

Dải đất liền nối biển với non cao

Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau

Công dựng nước tốn biết bao xương máu…



Tổ Tiên mở cõi, ta là con cháu

Phải quyết lòng tôn tạo gắng đắp xây

Bốn ngàn năm trang sử Việt - bề dầy

Giặc phương Bắc bủa vây và xâm lấn...



Dân Lạc Việt đã hào hùng bất tận

Cùng đứng lên mấy bận chống ngoại xâm

Từ: LÝ - NGÔ - TRƯNG – TRIỆU đến LÊ - TRẦN

Đem xương máu sáng ngần trang sử Việt...



Đức Nguyễn Huệ vị anh hùng oanh liệt

Giữ non sông và cương quyết đấu tranh

Trận đống đa, hai mươi vạn quân Thanh

Xác thành đống, máu tanh quân xâm lược ...



Là con Việt hãy cũng nhau nối bước

Giữ non sông đất nước mãi trường tồn

Từ thị thành cho đến tận nông thôn

Tay xiết chặt vì “Hồn thiêng sông núi” .



Bến Tre ngày 8/6/2018

Đệ Tử Quảng Pháp Ngôn NVT
4 dac khu kinh te
HÃY MẠNH DẠN CẤT LÊN TIẾNG NÓI

Người dân Việt vùng lên dành tiếng nói
Bảo vệ từng tất đất của tổ tiên
Lũ tham tàn (TQ) mưu chiếm đảo đất liền
Hãy quyết liệt một lòng luôn đoàn kết .

Đất nước ta muôn đời là trên hết
Kẻ bá quyền dùng kế sách bao vây
Mượn thuê bao để chiếm đoạt sau này
Rồi đồng hoá dân ta thành nô lệ .

Vùng biển đảo quê hương bao thế hệ
Mẹ Việt Nam ơi ! chúng con vẫn còn đây
Dù trong ngoài hay mãi ở trời Tây
Không bán nước vào tay người phương Bắc .

    Dallas Texas , 8-6-2018
            Tánh Thiện
4 dac khu kinh te

SAO NỠ ĐÀNH LÒNG SANG NHƯỢNG
QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM


Nghe tin tức xót xa lòng con Việt
Thương quê nhà sao mãi chịu phong ba
Nước Việt Nam gầy dựng bởi Ông Cha
Nay sao nỡ đành lòng đem sang nhượng?

Xin tất cả hãy bình tâm thương lượng
Lắng lòng nghe tiếng nói của muôn dân
Chín chín năm nào đâu phải là gần
Ngần năm ấy biết bao điều biến đổi

Hãy quay lại khoảng thời gian tương đối
Thời Lý, Trần cách độ mấy trăm năm
Quân Nguyên, Mông tham ác mộng lấn xâm
Hai mươi năm đã ba lần xâm lấn.
Nhưng phước thay toàn dân lòng phấn chấn
Quyết một lòng gìn giữ chống ngoại xâm
 Để từ đó đến nay ta độc lập
Thoát khỏi vòng đô hộ của Bắc phương

Cớ sao nay lại có ý mở đường
Cho người phương Bắc thản nhiên bước vào?
Nếu dã tâm còn đó biết làm sao?
Suy nghĩ lại kẻo lầm than dân Việt.
ĐẶC KHU 99 NĂM

Đêm thao thức nghỉ về đất nước
Lũ cộng nô bán đất 99 năm.
Phải đứng lên đáp lời sông núi
Cho lòng dân bớt nỗi hờn căm.

99 năm nghe mà nhức nhối
Đồng hoá dần Tàu con,Tàu  cha.
4 thế hệ trở thành đại họa
Ôi còn đâu nước Việt Nam ta.

99 năm một thế kỷ dài
Nước mất rồi tiếng Việt còn đâu!
Cội nguồn xưa có còn giữ mãi?
Dân ta ơi sao mãi cơ cầu.

Thương nhi nữ hy sinh đại cuộc*
Liều khỏa thân cứu lấy non sông.
Nước đã mất còn gì để mất?
Hãy đứng lên đốt ngọn lửa hồng.

Hỡi anh em mau thức tỉnh ngay
Tổ quốc ta giặc Tàu tràn ngập
Đặc khu ư! khách sạn sòng bài
Đưa dân tộc xuống bờ vực thẳm.

Quê hương mình nối liền một dãy
Non sông ta gấm vóc lụa là.
Cùng chung vai gánh vác sơn hà
Hãy đứng lên vượt qua sợ hãi.

Đã ngàn năm làm thân nô lệ
Dãy đất này thắm máu ông cha.
Giành độc lập từ bao thế hệ
Nay cộng nô bán đứng sơn hà.

Vẫn một lòng quyết không khuất phục
Hãy vùng lên cho đáng mặt anh hào.
Chết chỉ một lần không tủi nhục
Danh rạng ngời cho muôn đời sau.

PT Tâm Minh
* Lê Hòang Trúc khởi xứơng cuộc cách mạng khỏa thân


Đặc khu Kinh Tế

Ngụy từ Đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
Cho thuê có nghĩa là bán tráo 99 năm mất chủ mất quyền
Ba điểm mấu chốt của Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam
Chiếc thòng lọng mở ra, thắt yết hầu nghẹt thở
Cái nạn bán nước này mà thành hình
Tổ quốc Việt Nam làm sao chống đỡ?
Cái nạn hại dân này mà hiện thực
Dân tộc Việt Nam làm sao ngẩng đầu?
Con cháu Lạc Hồng không lẽ biến thành cái kiếp ngựa trâu
Rút cổ, gục đầu, khom lưng cho ngoại bang kéo cỡi
Ải Nam Quan đường đường chính chính ngàn năm lịch sử
Đã biến mất từ lâu, ỡm ờ Móng Cái là sao?
Bô Xít Tây Nguyên diễn tiến tới nay thực tế thế nào?
Hoàng Sa, Trường Sa của tổ quốc:
Nó tung hoành khống chế
Sáu tỉnh địa đầu phương Bắc:
Nó cắt xén ranh giới, di dời cột mốc ra thế
Vũng biển, vùng trời, hải đảo:
Nó chế ngự tóm thâu
Nội địa, miền quê, phố thị:
Nó chễm chệ xỏ xâu
Mọi thứ hàng hóa nhiễm ô:
Nó tung đi khắp chốn
Ngành nông nghiệp:
Nó đầu cơ đầu độc, hóa chất tráo lộn
Ngành ngư nghiệp:
Nó giết hại ngư dân, đâm thủng tàu bè
Quê hương ba miền yêu dấu:
Nó vào ra tràn ngập ngạo nghễ dọa đe
Các cấp lãnh đạo nước nhà cũng bị sắp đặt xin cho của Nó
Nay lại bày trò Ba vùng Đặt khu Kinh tế
99 năm nghĩa là lịch sử rẽ trang
Trang bán nước hại dân
Trang lệ thuộc ngoại bang
Trang ô nhục Quốc Tổ
Hỡi dòng giống Lạc Hồng
Hỡi Hồn thiêng Sông núi
Là người Việt Nam phải nhất tề đứng dậy
Phải phản kháng, chận đứng, chấm dứt ngay
Ai muốn ăn bã trấu xác đậu Nó, mặc bay
Đừng kéo cả Dân tộc biến thành nô lệ
Nó là ai mà cả Đảng, Chính phủ, Quốc hội ngậm câm tránh né
Nó là ai mà hệ thống báo chí truyền thông không dám hó hé
Tàu lạ, nước lạ, người lạ, chính Nó là ai
Trẻ con mà vốn biết đích thực không sai
Nhà cầm quyền lại bịt mồm câm họng
Nó cho cái gì mà lấm lét thập thò thấp thỏm
Nó ban cái gì mà cúi lòn run sợ cúc cung
Sửa đổi lịch sử, bán đứng Tổ Tông
Đã thu hẹp đất liền, biển đảo, núi sông
Nay lại hoa mỹ ngôn từ Đặc khu Kinh Tế
Hỡi Đảng Cộng, làm việc cho nước ta hay cho kẻ lạ
Hỡi Chính Phủ, làm việc cho quốc gia hay cho nước lạ
Hỡi Quốc Hội, đại diện cho dân ta hay cho người lạ
Trả lời trước quốc dân trước đồng bào ngay
Dự luật 3 Đặc khu phải dẹp bỏ ngay
May ra, người Cộng Sản các ngươi
Còn giành giựt, bán mua, chia chác cửa quyền ngất ngưởng!!!

Ngày 09-6-2018
Thấu Tâm

GIANG SƠN THƯƠNG HẬN PHÚ!

Vinh quang thay !
Non sông gấm vóc - Đã giữ biên cương từ thuở Văn Lang
Đất nước âm vang- Còn truyền quan ải tự đời Lạc Việt
Lời hào khí -Thanh tao thơm ngát Hội Nghị Diên Hồng
Giọng hùng ca -Hào sảng lẫy lừng Tuyên Ngôn Thường Kiệt

Vậy mà!
Văn Hiến-Khai ấn bốn ngàn năm ai ngoảnh mặt bịt nguồn sanh
Biển Đông-Hình thành hằng mấy tỷ giặc đang tâm dầm nước chết.
Bãi bờ hiu hắt- Tội cát nằm kêu dã tràng hình bóng chẳng còn,
Sóng gió chơi vơi-Thương thuyền ngồi gọi tôm cá tăm hơi đâu hết.

Cũng bởi-Bè cánh tham ô bán đất-Cửa quan giành giựt phần hơn,
Nên chi-Ngư Trường phiêu dạt treo thuyền-Thủy đạo đắm chìm thua thiệt.

Hèn chi !
Cứ ve vuốt-Thằng anh em hữu nghị - Mà ác độc tự lòng lang
Mãi vân vê- Đồ bè bạn ranh ma- Cứ tham tàn như dạ “Chệt”.
Vô tình quyết định- Cắt đất - Cho Formosa dễ dàng xả thải - Vì kẻ tham ăn
Có ý giao kèo-Trá hình- Để Nhà Máy Thép thuận lợi buông câu -Tại quan vơ vét.

Hãy nhìn xem!
Phương Bắc -Nòi giống giặc xảo trá -Trồng mầm ác nghiệp đã băng hoại giữa Càn
Khôn,
Trời Nam-TổTiên Ta ôn tồn- Cấy nụ thiện nhân còn tươi nhuần bên Nhật Nguyệt.

Sách cũ- Cha ông mi Đường Thanh Tống Hán - gặp nạn Tam quốc xáo thịt- cũng bởi rẽ chia,
Tờ xưa -Anh em ta Đinh Lê Lý Trần- được thời Ba miền đồng lòng - là do đoàn kết.

Nhắc cho nhớ-Đời Tống Hán Thua trận rút về -Tướng Sĩ qua Ải Chi Lăng phải bò càng,
Ghi khỏi quên-Thuở Minh ThanhThu binh tháo chạy- Quân xa lấn Tôn Sĩ Nghị còn lê lết.

Vậy mà!
Ngạo ngược nhà máy Vũng Áng vẫn thải độc giết hại sanh linh,
Nghênh ngang Ngư thuyền Tàu ô còn buông câu giăng lùa tôm tép.

Bờ bãi-Mênh mông hun hút - Lạnh tanh bóng cua còng
Mây trời-Bát ngát xa xăm -Sạch trơn đàn cò diệc
Già trẻ thất nghiệp-Mạn thuyền nằm thắc thỏm lê la
Trai Gái xa nghề- Chài lưới đứng đưa thoi mải miết.

Đau đớn quá!
Nhổ neo tảng sáng-Nhớ biển xưa thuyền cưỡi gió ra khơi làn Thủy cung tỏa vị thơm lừng
Ghé bãi tờ mờ-Thương bờ cũ tàu rẽ trăng cặp bến ánh Nguyệt điện chan mùi sạch đẹp.

Chỉ mong!
Đày tớ - Giữ gìn miệng bớt đong đưa
Quan viên-Tôn trọng Dân thôi chì chiết
Đem trí tuệ thay cường bạo-Vỗ yên thiên hạ còn phải ngó ngàng,
Lấy nhân tâm đổi nhiễu nhương-Chế ngự ba quân thì nên minh xét.

Cùng con đỏ dùng đại nghĩa - Mà bớt săm soi
Với quân thù lấy can trường- Cho thêm quyết liệt.

Hãy noi gương!
Đất Việt- Trang thục nữ -Môi son má phấn không thiếu kẻ trâm anh
Trời Nam- Đấng trượng phu- sách lược binh thư vẫn thừa người hào kiệt.
Giống nòi Cốt cách - Muôn thuở mãi hiên ngang,
Khí phách tông môn-Bao đời còn lẫm liệt.

Giữa trận mạc - Gương phụ tử* tỏa chí can trường
Trên chiến Thuyền- Nếp đệ huynh **trồng nhân oanh liệt.

Hỡi quân giặc!
Quen thói cướp nước đừng giở quẻ tâm thần
Liệu chừng lui quân bớt gieo mầm oan nghiệt
Óc bành trướng-Giữa thế giới giặc mà nhuộm lưỡi phân bua,
Trí tung hoành-Trên chiến trường Ta sẽ bày binh điều tiết.

Hay là đợi!
Thủy thủ - Diễn như tuồng Xích Bích cùng Biển đông sẽ âu ca chiến thắng đến muôn đời
Quân Dân Trích lại vở Bạch Đằng với Hàm Tử rồi tung hô khúc quân hành bất diệt.

Sách lược -Nhún nhường không nhu nhược- Chờ vạch tội giặc cướp để ngăn ngừa,
Binh thư- Khiêm tốn chẳng đớn hèn -Mong điểm mặt quân thù mà tiêu diệt.

Thương hận thay!
Thủy Tộc-Hồn thiêng phảng phất dọc Biển Đảo -Trời cũng bồi hồi
Anh Linh- Tử sĩ phiêu diêu nơi GạcMa - Đất còn tha thiết.

Vẫn lắm người vọng ngữ- Còn thờ ơ biên cương lãnh thổ - Cứ vỗ ngực uyên thâm,
Đang nhiều kẻ ngoa ngôn-Luôn hờ hững phên giậu giang sơn- Lại tôn đây minh triết.

Cúi Mong!
Có nhột- Xin thượng cấp hoan hỷ để cảm thông
Chưa êm- Mong thứ dân lạc quan đừng thêu dệt.

Mạo muội đành hanh mấy chữ chọn nghiên mài,
Chàng ràng lõm bõm đôi câu cầm bút viết.

Còn mến- Chờ trí giả hạ cố để nâng niu,
Hết thương- Đợi hiền nhân vung tay mà bôi quệt.

Nỗi Khắc khoải chia ly
Lòng Vô cùng thương tiếc !

NHƯ THỊ

********************
Ghi chú

*Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi
** Trần Hưng Đạo Và Trần Qung Khải
Mối bất hòa giữa 2 chi họ cũng như bất hòa cá nhân giữa 2 người trở thành một hiểm họa sâu sắc. Nhận ra điều này, Hưng Đạo vương chủ động tìm cách giải hòa:
Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
"Mình my cáo bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:
"Hôm nay được tắm cho Thượng tướng".
Quang Khải cũng nói:
"Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho".
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.

4 dac khu kinh te

HÃY VỀ VỚI DÂN
Giang sơn chi nỡ bán buôn
Hay là cơ hội để tuồn tay nhau
Chín chín năm đất về đâu?
Cho thuê hay bán để Tàu ém quân

ĐẤT là mạng mạch của dân
NƯỚC là hạo khí ngân vang bao đời
Nghị Viên sao chẳng rạch ròi
Ký dâng cho giặc khom người cầu thân

Lịch sử qua bốn ngàn năm
Đinh Lê Trần Lý,diệt xâm lăng Tàu
Trảm bán nước ,dậy anh hào
Vinh danh đảm lược đồng bào Việt Nam

Đặc khu* chín mươi chín năm
Đỉnh cao trí tuệ chớ làm bút đau
Cờ Diên Hồng hãy nâng cao
Xếp cặp ,bẻ bút xốc đao diệt thù

Cân đai,áo mão – lao tù
Họp hành u muội gật gù giong tay
Hãy mau thức tỉnh ngay đây
Bán nước rồi sẽ có ngày diệt vong

Ích Tắc ,Chiêu Thống còn không?
Lê Lợi,Nguyễn Trãi son hồng điểm tô
Hùng hồn ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ
Biết bao hào kiệt giữ bờ cõi xưa.

Mà nay nghị sĩ lọc lừa
Đất đem rao bán chẳng chừa nước non
Đêm nghe biển dậy căm hờn
Giục nghị viên hãy tìm đường theo dân

Mà thương cây cỏ non sông
Đừng để Phú Quốc** khuyển nôn tiếng Tàu !?
NHƯ THỊ


*Việc cho thuê đất đặc khu thời hạn 99 năm là quá dài, chưa nói đến yếu tố an ninh, quốc phòng khi 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc án ngữ biển Đông của nước ta
**Chó Phú Quốc xuất hiện cách đây ít nhất 400 năm, bằng chứng rõ ràng nhất là quân đội Chúa Nguyễn vào thế kỷ 17 đã sử dụng giống chó tinh khôn này làm quân khuyển để canh gác doanh trại.

4 dac khu kinh te

BẮC QUÂN KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ
THỰC HIỆN MỘNG XÂM LĂNG !

Quê hương tôi Việt Nam hình chữ S
Từ Ải Nam Quan đến mủi Cà Mâu
Giải đất gấm hoa biển đảo sang giàu
Có tự ngàn xưa Tổ Tiên dựng nước

Lũ giặc phương Bắc bao phen mơ ước
Nên nhiều lần xâm chiếm nước non ta
Chúng ngờ đâu đến những bậc quần thoa
Phận Nhi Nữ cũng oai phong lẩm liệt

Bậc Anh Thư của giống giồng Lạc Việt
Như Bà Trưng Bà Triệu chống Nguyên-Mông
Nên giờ đây lủ giặc cộng đừng hồng
Xóa lịch sử oai hùng dân tộc Việt

Chỉ nhắc đến Hưng Đạo Vương oanh liệt
Cũng đủ kinh hồn lủ giặc Bắc phương
Với ba lần chiến thắng chông Nguyên-Mông
Cùng lịch sử ghi nhiều trang hào kiệt...

Tuy giờ đây quê hương dân tộc Việt
Vẫn trong tay quân cộng đỏ tham tàn
Và muôn người còn sống cảnh lầm than
Nhưng “biên giới” luôn phân minh từ thuở

Như Lý Thương Kiệt ngày xưa tuyên bố:
(“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.)

Hội Nghị Diên Hồng còn vang mãi lời xưa:
“Trước việc nước nên hòa hay nên chiến?
Quyết chiến... Quyết chiến... Quyết chiến !
Bởi muôn dân là sức mạnh vô song...
Nên lòng dân là “thành trì chiến lược...”

Và kinh nghiệm “một ngàn năm Bắc thuộc”
Gần trăm năm chịu đô hộ giặc Tây
Rồi cuối cùng cũng ...“Gió sẽ tan mây...”
Dân Tộc Việt sẽ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc !.

Germany, ngày 09-06-2018

Đan Hà

4 dac khu kinh te

NGÀY NÀO ĐÓ..


Khó đo lường Vô minh luôn ma mãnh
Dù thông minh vượt trội hẳn bình thường
Vẫn có ngày chệch hướng quẩn lạc đường
Khắp nhiều năm lại quay về chốn cũ

Buồn hối tiếc, học nhiều sao chẳng đủ
Góp nhặt , trộn pha chế biến linh tinh
Tâm biến đâu không làm chủ được mình
Kiến thức trần gian bỏ vào sọt rác !!!

Ngày nào đó ....
Thích tư duy thích luận đàm chánh pháp
Sâu sắc hơn ... diễm phúc được làm người
Tự mình hiểu thông ....nhịp sống nhuận tươi
Rộng mở vòng tay chia đều ấm áp

Xã hội ngoài kia .... dẫy đầy phức tạp
Hãy lắng nghe tiếng nói của lòng mình
Đã làm gì giúp ích được chúng sinh
Đừng để vô minh biến ta ... đồng loã

Lịch sử muôn đời sẽ ghi ... KHÓ XOÁ

Huệ Hương
 4 dac khu kinh te

Một Lòng Gìn Giữ Giang Sơn

Vân Đồn án ngự Bắc phương
Nhìn ra biển cả muôn trùng sóng xanh
Nơi đây địa thế hữu tình
Là nơi gìn giữ an bình non sông
Quốc Phòng nên đặt trông nom
Đừng vi kinh tế mà quên cơ đồ
Giang sơn xã tắc nêu cao
Hồn thiêng sông núi chớ trao tay người
Bắc Vân Phong cảnh đẹp tươi
Cũng là địa thế người người ngắm trông 
Nhìn ra biển cả mênh mông
Là nơi áng ngự miền Trung lâu bền
Ngàn năm con cháu rồng tiên
Mong rằng vận nước bình yên trải dài 
Phú Quốc hải đảo đẹp thay
Bốn bề gió lộng sóng say Thái Bình
Nơi đây án ngự trời xanh
Nơi đây án ngự tinh anh Nam miền
Non sông tổ quốc thiêng liêng
Cha ông gầy dựng nối liền Bắc Nam
Cùng nhau hợp lực tinh cần
Quyết lòng gìn giữ giang sơn vẹn toàn
Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn
Cả ba địa thế sống còn Việt Nam
Chấp tay khấn nguyện ngày đêm
Cho quê hương Việt êm đềm đẹp tươi
Thêm thịnh vượng thêm nụ cười 
Sử vàng ghi dấu rạng ngời thiên thu...!

California, 09-06-2018
Trúc Nguyên