1̀5 Trang Liên Quan Blogspot

måndag 31 augusti 2015

Bên mộ thi nhân...Nhà thơ Trần Cao Sơn


Nghi Xuân úa sợi mưa chiều
Nguyễn Du nằm đó. Thân Kiều ở đâu?
Triều dâng sóng vỗ dàu dàu
Bể dâu tiền định. Bể dâu không cùng
Ngập ngừng trước bóng thi nhân
Trời se se nén nhang trầm. Mình ta
Cận kề mà ngỡ như xa
Nấm mồ con đựng sơn hà ưu tư
Đất thiêng liêng một Tố Như
Lệ trăm năm rớt bây giờ vẫn nguyên
Lệ rơi từ đất Tiên Điền
Thấm vào nhân thế ướt lên phận Kiều
Thành sông, thành suối, thành triều
Xoá vòng oan trái bao nhiêu kiếp người

Cánh hoa góc bể chân trời
Nhị thơm quyện lại ở nơi cội nguồn
Cửa tuyền không phút cô đơn
Bốn mùa trăng - gió - nước - non quê nhà
Lạy gần rồi lại khấn xa
Giữa màn khói đục chỉ ta với Người
Đời riêng có bấy nhiêu thôi
Tình chung để lại nghìn đời tri âm
Thảo thơm trong nén nhang trầm
Hương ơi hãy thức trọn đêm chớ tàn
Mong người tái ngộ nhân gian
Vén tay tạc lại những vần thơ yêu
Chuyện xưa cả cuộc đời Kiều
Y nguyên từng chữ, từng câu thuở nào.

Nửa vầng trăng khuyết thanh cao
Đứng im để Nguyễn rọi vào trang thơ.

söndag 30 augusti 2015

Cảm tác theo duyên ngộ tình cờ trên online paltalk !


Nơi em đến là mênh mông phẳng lặng
 Gió trùng dương thổi mát thân xác hoang
 Kiếp phù dung, lời tình rơi rụng mãi
 Nước mắt nào, bôi xóa phận đã mang

 Nơi anh đến là mây trời lãng đãng
 Gió muôn phương trôi dạt người thương vay
 Kiếp con người, sao quá nhiều đổi thay
 Để đời trai phiêu bạc trong hoang lạc

************ UL ************

torsdag 27 augusti 2015

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi...


Đến bây giờ...
..khi đọc lại câu chuyện Lòng Ái Quốc của Edmond de Amicis trong tập truyện Tâm Hồn Cao Thượng, hầu như ai cũng cảm thấy bồi hồi và xúc động, không ít người tóc đã bạc, nửa thế kỷ trước đã đọc, nay vẫn còn thích đọc lại và mỗi lần đọc lại thấy trào dâng trong lòng mình một cái gì đó rất thiêng liêng, rất cao quý. Phải chăng đó là tình yêu quê hương, đất nước?
Trong cuộc sống bộn bề, nhiều người cảm thấy quê hương là cái gì đó rất xa vời, coi như chuyện bảo vệ biên cương đất nước là chuyện của ai đó chứ không phải là mình, vì mình còn phải lo tới tấp đủ thứ chuyện cho công việc, cho gia đình, cho con cái, cho ngày mai... Nhưng quê hương cũng là một cái gì đó rất gần gũi thân thương, khi xem trên truyền hình thấy những cảnh lụt lội, thấy những cảnh bà mẹ già còm cõi, lần từng bước một đến chiếc tủ thờ, thắp mấy nén nhang cho những đứa con trai mình đã hy sinh, thì gỗ đá cũng phải động lòng huống chi là mình, bấy giờ quê hương mới thấy gần gũi làm sao! thấy thân thiết làm sao!
Tổng thống Hoa Kỳ JF Kennedy có lần đã nói:
"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc? "
Một xã hội đa chủng quốc như Hoa kỳ mà họ còn nói đến tổ quốc, đến quê hương, huống chi là người Việt Nam chúng ta. Cho dù là trải qua hết chế độ này đến chế độ khác, mỗi chế độ có cái hay cái dở, nhưng suy cho cùng thì chúng ta cũng vẫn hãnh diện vì mình là người Việt Nam, có tiếng nói riêng, có chữ viết riêng, có nền văn hóa riêng, không giống một dân tộc nào cả.
Thời buổi này mà nói đến yêu quê hương có vẻ như sáo quá chăng? hay là muốn tuyên truyền? Xin thưa là hoàn toàn không! Vì tôi cho rằng, giữa cuộc sống muôn màu muôn vẻ, nào là thị trường chứng khoán, nào là công nghệ thông tin, nào là biết bao công việc xoay quanh mình đến chóng mặt, ít ra quê hương cũng còn có một chỗ đứng cho mình trong lòng mỗi người các bạn có đồng ý với tôi không?
" Quê hương mỗi người chỉ một...."





onsdag 26 augusti 2015

¤¤¤¤¤ Thổn Thức Trong Ta ¤¤¤¤¤ Video lời thơ UL


....Có những lúc hồn ta thật lặng lẽ
Trong xa xăm chợt bóng tối đi về
Nơi quá khứ ta đã mang tội lỗi....
Xác thiêu thân, hồn lạc hướng trùng dương
Mãi đi tìm một điều không thể có
Mãi lao đao cho số phận ngã ngiêng
Dẫu biết rằng bóng đêm là hư ảo
Vẫn cố tìm cho thoã trí hoang mang
Ôi !!! Bé dại ngu ngơ lòng trắc ẩn
Gói gém lại trong một khối u mê
Ta hoài nghi mà người nào hay biết
Để giờ đây...hồn cứ mãi thinh âm
Trong tiền kiếp ta sinh thời lẽ bóng
Không người thương, không người tiễn ta về
Nên hoài niệm nay trở về chốn lạ
Mãi một đời mang số kiếp lâm ly
Đem vào thơ cho lòng vơi sầu ẩn
Hy vọng rằng sẽ có ngày hóa thân
Vào thế giới không còn bi ai oán
Không còn ta, không còn thế giới hoang

UL xin được sám hối với nỗi niềm quá khứ đã đi qua trong thời còn bé dại ngu ngơ...Viết lên cảm xúc khi đã trãi qua nhiều đêm dài thổn thức với hoài niệm xưa chợt quay về trong bóng tối tâm hồn...


tisdag 18 augusti 2015

Cuộc sống xoay vần, trong họa có phúc(Nguồn sưu tầm)

Có nhà vua nọ sống trong cung điện nguy nga. Một lần nhà vua vui mừng tiếp kiến với một giáo sĩ Do Thái đặc biệt, vị giáo sĩ này sống ở thủ đô của vương quốc. Hai người trò chuyện về các chủ đề khác nhau 

Một lần nhà vua vui mừng tiếp kiến với một giáo sĩ Do Thái đặc biệt, vị giáo sĩ này sống ở thủ đô của vương quốc. Hai người trò chuyện về các chủ đề khác nhau, định lực và trí tuệ sắc bén của giáo sĩ làm nhà vua ngạc nhiên hết lần này đến lần khác. Không ai có thể so sánh trong vai trò cố vấn và trí tuệ của giáo sĩ thông tuệ.

Untitled6-370x400

Nhà vua có một niềm đam mê du ngoạn trong đất nước, ông mời vị giáo sĩ cùng đi để họ có thể thảo luận về diễn biến của vương quốc. Trong cuộc nói chuyện, vị giáo sĩ Do Thái luôn đan xen vào cuộc đàm thoại ý tưởng của đấng tối cao, sự an bài của Chúa, không ngừng nói về các sự kiện xảy ra với sự hiện diện huyền bí của bàn tay Chúa trời.

Trong chuyến đi chơi, nhà vua quyết định đi săn. Vị giáo sĩ Do Thái được nhà vua lựa chọn để làm người bạn đồng hành, vua nhấn mạnh rằng vị giáo sĩ phải đi săn cùng với ông. Không quen thuộc với các môn thể thao, vị giáo sĩ dò dẫm với cây súng trường, và một tai nạn đáng tiếc xảy ra khi viên đạn vô tình thoát khỏi cây súng. Một tiếng thét lớn xuyên qua rừng, và  không ai khác hơn chính là của nhà vua, vì trong lúc loay hoay với cây súng giáo sĩ đã bắn nhầm vua, làm mất  một ngón tay của Ngài.

Trong cơn giận dữ nhà vua ra lệnh bỏ tù vị giáo sĩ, cận vệ nhanh chóng đưa giáo sĩ  vào một trong các buồng giam của lâu đài.

Năm tháng trôi qua chấn thương của nhà vua từ từ chữa lành. Bàn tay Ngài đã mạnh mẽ hơn, và mong muốn có một chuyến đi chơi. Cuối cùng nhà vua lên kế hoạch một chuyến đi xa hoa nhất đến nhiều vùng đất xa xôi.

Trong suốt chuyến đi của mình, nhà vua đã thiếu đi sự khôn ngoan và sự đồng hành của vị giáo sĩ nọ.

Nhà vua đã được cảnh báo trước không được rời khỏi khu vực cắm trại, vì người bản địa thù địch lẩn nấp. Nhưng tinh thần mạo hiểm của nhà vua được châm ngòi bởi ý tưởng nhìn thấy khu vực cấm đó. Trong chuyến du ngoạn bên ngoài trại, nhà vua đã bị bắt bởi các bộ lạc ăn thịt người. Theo tập quán của họ, họ kiểm tra “hàng hóa” của họ trước khi nấu. Họ đã hoảng hốt khi thấy rằng các món ăn hấp dẫn trước mắt họ có một ngón tay bị mất tích. Ngay lập tức họ tuyên bố đó là điềm xấu, và thả vua gần khu trại của Ngài. Nhà vua ngay lập tức thay đổi hướng và chỉ đạo đoàn tùy tùng của mình trở về nhà, ông muốn nói chuyện với giáo sĩ Do Thái.

Khi họ đến thủ đô, vua lập tức ra lệnh thả vị giáo sĩ. Nhà vua hỏi vị giáo sĩ: “Này giáo sĩ, ông đã luôn luôn nói về an bài của Chúa, và tất cả mọi việc là từ trời ban xuống và điềm tốt cho chúng ta, và ta đã thấy ở đây. Nhưng giáo sĩ, ta có một câu hỏi: Đâu là an bài của Chúa mà có liên quan đến ông? Ông đã ở trong ngục tối một thời gian; có gì là điềm tốt trong đó?”

Vị giáo sĩ mỉm cười khi ông trả lời: “Tâu bệ hạ, nếu tôi không ở trong ngục tối, tôi sẽ đi với Ngài, và tôi đã bị  ăn thịt rồi”. Nhà vua hỏi tiếp: “Bài học gì cho chúng ta khi trải qua những việc này?”

Sau khi một số suy nghĩ giáo sĩ Do Thái đã trả lời:

“Cuộc sống xoay vần, trong họa có phúc. Chúng ta phải có niềm tin rằng tất cả những kinh nghiệm của chúng ta, ngay cả những việc dường như tiêu cực, thực sự vẫn là điều tốt.”

Từ Ân biên dịch


Đăng các bài viết về Việt Nam Cộng Hòa, một giáo viên tiểu học bị mời làm việc

  • DL - Võ Thị Thanh Hải là giáo viên đang dạy trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 2. Vì yêu thích và đăng những bài viết liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà cô đã bị công an quận 2 mời làm việc với lí do “trao đổi một số vấn đề về An ninh trật tự”. Bài viết dưới đây là lời cô giáo Thanh Hải thuật lại sự việc.

    Cô giáo Võ Thị Thanh Hải
    Tôi là Võ Thị Thanh Hải hiện là giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Q2. Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú tại 22/8 đường 31, phường Bình Trưng Tây Q2, Tp HCM.
    Khoảng hơn 14h30' ngày 17.07 2015, công an hộ tịch tên là Thanh đưa “giấy mời” tôi đúng 15h cùng ngày đến trụ sở Công an phường Bình Trưng Tây, Q2 ở số 197A Nguyễn Duy Trinh để “trao đổi một số vấn đề về An ninh trật tự”. “Giấy mời” chỉ ghi cộc lốc người làm việc với tôi sẽ là “ông Thân”, không kèm theo họ tên đầy đủ hay cấp bậc, chức vụ của ông này.
    Về lý do bị mời, tôi đã thắc mắc tại sao tôi không làm điều gì gây mất trật tự an ninh, không phá làng phá xóm hay chửi bới gây lộn với ai mà bị công an mời đi làm việc về an ninh trật tự. Tôi yêu cầu công an hộ tịch - người đưa giấy mời- phải cho biết lý do chính đáng về buổi làm việc. Tôi cũng yêu cầu công an cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật là phải gửi giấy mời trước 3 ngày chứ không thể tùy tiện gửi giấy mời và yêu cầu công dân đi làm việc cách nhau chưa đầy 30 phút như thế. Chính vì vậy tôi đã không đi lên phường làm việc.
    Ba ngày sau, 20.07.2015 tôi lại nhận được “giấy mời” cũng từ tay công an hộ tịch tên Thanh, yêu cầu tôi đúng 15h ngày 23.07.2015 cũng đến địa điểm cũ để "bổ túc hồ sơ nhân khẩu" cũng do “ông Thân” đón tiếp. Đúng ngày giờ, tôi đến trụ sở Công an phường Bình Trưng Tây thì không phải ông Thân tiếp mà là ông Long, công an Quận 2 tiếp chuyện. Trong suốt buổi “làm việc”, ông Long không hề nói về vấn đề nhân khẩu như trong giấy mời đã thông báo mà lại chất vấn về các bài đăng trên facebook cá nhân của tôi.
    Mở đầu buổi “làm việc”, ông Long đưa cho tôi một xấp giấy A4 in sẵn những bài viết đã đăng trên FB của tôi và hỏi: “Đây có phải là những bài viết của chị hay không?” Tôi xác nhận đó là những bài viết của tôi. Ông Long bắt tôi ký xác nhận vào các bài viết đó. Sau đó ông Long đã đặt ra rất nhiều câu hỏi và bắt tôi trả lời như: “Chị lấy những hình ảnh này ở đâu ra? Và chị đã chia sẻ với những ai? Lý do vì sao chị đăng lên như vậy khi chị đang sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, không phải là chế độ Việt Nam cộng hòa?”
    Ông Long lý luận: “Chị nên hiểu cờ vàng 3 sọc đỏ là của chế độ VNCH đã sụp đổ, thất bại lâu rồi. Nó đã đi vào quá khứ…”. Và ông này cũng kết tội tôi: “Chị là một giáo viên sống ở chế độ XHCN cờ đỏ sao vàng chứ không phải cờ vàng 3 sọc đỏ. Chị là một giáo viên dạy các cháu “mầm non” (thực ra tôi dạy bậc tiểu học) cũng đang sống trong chế độ XHCN như thế là không được, không đúng. Nếu như thế chị sẽ làm sai lệch tư tưởng của các cháu.”
    Tôi trả lời mặc dù tôi đăng các bài về VNCH nhưng khi lên lớp, tôi vẫn dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục, tôi vẫn truyền đạt đúng theo nội dung sách giáo khoa của nhà nước XHCN. Và tôi luôn dạy các em những điều tốt đẹp để sau này trở thành những con người có ích cho đất nước, cho xã hội.”
    Ông Long yêu cầu tôi tháo gỡ các hình ảnh và các bài viết liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa; bắt tôi cam kết không được viết tiếp những bài về VNCH nữa. Tôi không đồng ý vì tôi thấy mình không làm điều gì sai cả. Tôi tin rằng người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Hiện nay, không có quy định nào của pháp luật cấm đưa lên Facebook cá nhân những hình ảnh liên quan đến lịch sử Việt Nam bất kể là thời nào, kể cả thời Việt Nam Cộng Hòa.
    Sau buổi “làm việc” với công an tôi không được giữ một bản photo “làm việc” nào mặc dù trước khi “làm việc”, tôi đã yêu cầu và được phía công an chấp thuận. Họ lấy lý do máy Photocop bị hỏng, không thể sao ra một bản cho tôi giữ. Lẽ ra trước khi hứa để tôi giữ một bản, họ nên nói rõ với tôi về việc này. Khi tôi tự đi ra cửa hàng photo thì bị 3 người là công an Long, công an Khang và cô thư ký tên Dân yêu cầu chủ tiệm không photo văn bản cho tôi.
    Mọi chuyện tưởng đã chấm dứt vì không thấy họ mời gọi gì nữa. Nhưng đến sáng ngày 10.08.2015 trong buổi họp Hội đồng Sư phạm đầu năm thì tôi được bộ 3 Ban giám hiệu thông báo là Trưởng phòng giáo dục vừa gọi điện yêu cầu Nhà trường không được phân lớp cho tôi, và tôi phải chờ quyết định của Phòng điều động tôi đi nơi khác.

    Vào lúc 14 giờ 16 phút ngày 12 tháng 8, ông Hiệu trưởng Trần Văn Dàng gọi điện và hẹn tôi 7h30’sáng ngày 13.08.2015 có mặt tại Phòng Giáo dục quận 2 để họp trao đổi về nội dung điều động công tác. Trong buổi trao đổi, Trưởng phòng giáo dục đề nghị chuyển tôi về trường Bồi dưỡng thường xuyên (những giáo viên, cán bộ bị kỷ luật thường bị chuyển về đây) để phụ việc quản lý về chuyên môn của ngành. Tôi thắc mắc tại sao rất nhiều giáo viên không thuyên chuyển ai lại chọn ngay tôi? Tại sao không chuyển tôi đi trường khác vẫn là giáo viên dạy lớp lại về Trường BDTX làm công việc phụ quản lý về công tác chuyên môn? Sao không chọn những giáo viên trẻ năng nổ, xông sáo có nhiều năng lực hơn mà lại chuyển tôi?
    Tôi có yêu cầu được giữ một bản sao nội dung làm việc nhưng ông Tùng, Trưởng phòng Giáo dục từ chối yêu cầu trên của tôi. Ông này hứa là sẽ chuyển văn bản này về Ủy ban Nhân dân quận 2. Tôi không hiểu vì sao tôi không được giữ văn bản làm việc liên quan đến mình mà lại phải chuyển về Ủy ban quận? Hơn nữa, ông Trưởng phòng Giáo dục còn “nhắn nhủ” với tôi mình làm cha mẹ cần chú ý làm những gì để không ảnh hưởng đến tương lai của con cái. Và tôi trả lời, tôi là người mẹ tuyệt vời, các con tôi luôn tự hào về mẹ của chúng. Tôi cũng luôn dạy các con tôi rằng, không được làm những điều trái với lương tâm và trách nhiệm của một con người.
    Tôi biết, con đường phía trước của mình rất nhiều khó khăn thậm chí hiểm nguy. Xét thấy tôi không làm gì vi phạm pháp luật, không làm gì trái với đạo đức của một nhà giáo. Nhưng chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa mà tôi bị trù dập, sách nhiễu. Bằng lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo chân chính, tôi tuyên bố sẽ không khuất phục và sẽ tham gia vào công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và quyền lợi của học sinh nghèo.
    Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 2015.

fredag 14 augusti 2015

Thủ tướng ơi! Đừng để chúng tôi ở chuồng

Nói tụi lít nhít học sinh vùng cao biên giới (mà mình cứ quen mồm gọi là chúng nó) đói cơm, nhiều cán bộ cả Trung ương lẫn địa phương sẽ giãy nảy lên, bảo "nói bậy", bởi tụi đi học, từ bé đến lớn đều được chế độ của Nhà nước.

Cái sự thiếu tý cơm hay cơm ăn với muối, với nước, với măng... có chăng là do "cơ chế chính sách", "việc triển khai thực hiện", khiến tiền về chậm, các cháu biết thịt thà - mì chính qua buổi "truy lĩnh" cuối năm mà thôi.

Và như thế, đừng trách Nhà nước!.

Ừ! Mà mình có trách đâu. Chính phủ mình đã lo hết thảy mọi thứ, từ các cháu cho đến người nghèo, cũng cứ danh sách - đầu người mà rót tiền, ấy chứ..

Nói chuyện ăn rồi, phải nói chuyện chuyện mặc, bởi cụm từ "ăn mặc" luôn đi cùng với nhau.

Đi miền núi mãi rồi, cũng quen với cách rách rưới - phong phanh của bọn trẻ. Nhưng cứ mùa đông, lên miền núi, nhìn chúng vẫn vậy chịu rét, mới giật mình lẩn thẩn: "Hình như, cũng chưa có 1 quy định nào về việc hỗ trợ cái mặc cho trẻ con, nhất là học sinh!".

Hỏi cán bộ địa phương và giáo viên, ai cũng cười: "Cái bụng còn chưa no, lo gì cái da!", khiến mình lại buồn nẫu...

Nẫu nhất khi nhìn bọn lít nhít Mầm non cởi truồng lồng lộng, chim cò cứ phơi phới tung tăng. Nhiều người liệt ra cả đống nguyên nhân, như: Đồng bào quen vậy rồi; để thế cho... nó mát; chống tè dầm...

Nhưng với mình, nói thật là họa có điên, giời lạnh đến vài độ C mà vẫn để con phong phanh không quần không áo, để nhìn chúng tím tái - run rẩy?.. Chỉ có thể là thiếu thốn, đến mức không có tiền để mua đồ ấm cho con, không xin đâu được đồ cũ cho con, mới đành để thế...

Dẫu biết, con trẻ vùng cao quen chịu khổ và cũng có sức đề kháng cao, nhưng rút cục chúng vẫn là đứa trẻ, là con người chứ chả phải siêu nhân - chiến binh chịu rét, nhịn đói làm tỷ điều siêu phàm vượt bậc...

Cứ qua quýt, lấp liếm theo cái kiểu "Ối Giời! Chúng nó quen rồi", "Sức đề kháng tốt lắm. Đứa nào không chịu được, bị loại ngay từ khi mới sinh. Đứa nào sống, chấp mọi điều kiện"... nhưng thật ra, phải cắn răng lại mà chịu đựng đấy.

Chính thế, lên mấy Đồn Biên phòng vùng cao, mang quần áo cũ trẻ em lên, anh em Đội Vận động quần chúng quý lắm.

Chả là mỗi chuyến đi công tác xuống địa bàn, đồng bào rét quá, toàn bế con chặn bộ đội giữa đường, xin cái mũ cái áo của anh em. Không cho thì không đành mà cho thì rét lắm, suốt quãng đường vài ngày lăn lóc bản này bản khác, rừng này rừng khác...

Nếu có ít quần áo trẻ em trong ba lô, lúc ấy giở ra, thì còn gì bằng?..

Đại tá Phùng Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cứ đau đáu cảnh: Xe Uoat chở ông lên triển khai công tác đầu năm trên đơn vị, tụi trẻ con thấy xe ôtô cứ níu lấy, chìa tay xin áo; Lên Đồn, lại chứng kiến cảnh bà con run rẩy kéo đến cổng Đồn Biên phòng, kêu ời ời: "Đồn ơi! Rét lắm!"... và chính vì thế, bây giờ cứ sắp đến mùa rét, Đại tá Phùng Tuấn lại ký điện gửi có đơn vị, yêu cầu vận động chiến sĩ hết nghĩa vụ nhường lại, cán bộ mới phát quân trang thu gom, tất cả quần áo - chăn đệm - tất giầy.. tặng đồng bào, trước mùa rét...

Nhưng vẫn không đủ.

Cái Chương trình "Áo ấm biên cương" be bé của tụi mình, mỗi lần triển khai ở địa bàn nào đấy, ngoài số quần áo - khăn ủng đúng theo số lượng học sinh (mà nhà trường, Biên phòng, chính quyền thống nhất, báo về), lúc nào cũng lủng lẳng 1 bao hàng gọi là dự trữ, cũng toàn quần áo, để quàng thêm cho những đứa trẻ rách áo, cởi truồng đứng bơ vơ bên đường hoặc không có trong danh sách, đứng ngoài thèm khát nhìn các bạn được nhận quần áo mới...

Nhìn chúng nó cởi truồng giữa mùa đông, xót xa lắm. Có cảm giác như vùng đất ấy, con người ấy trở lại thời hồng hoang, chỉ vỏ cây - áo lá che thân.

Và quan trọng hơn, cảm giác như nòi giống cứ bị lụi bại đi bởi chim cò tím tái, thông thống giữa gió lạnh, từ bên kia biên giới kèn kẹt thổi sang...

Lo được cái ăn rồi, nhưng căn cơ gì mà không lo thêm cái mặc, cho chính tương lai của đất liền, của vùng biên ải...

Không biết Thủ tướng của mình, đã bao giờ được chứng kiến những cảnh này chưa?..
*****
Hình ảnh ghi lại từ những chuyến đi của Thành viên Chương trình "Áo ấm biên cương" và trên một số trang xã hội của đồng nghiệp: xomnhiepanh.com; otofun.net; phuot.net...
...♥.♥.♥...






































...♥.♥.♥...



...♥.♥.♥...